Theo đó, Sở GTVT TPHCM cho biết vào ngày 24/5, Sở đã phối hợp cùng Ban Giao thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất tiến độ thi công, công tác quản lý chất lượng đối với công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine) và đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn), quận Bình Thạnh.
Tại thời điểm kiểm tra, Sở GTVT nhận thấy trong phạm vi công trường 2 công trình nêu trên chỉ có một số ít công nhân và máy đóng cọc nhưng không triển khai thi công. Theo báo cáo của đại diện Ban Giao thông TPHCM (chủ đầu tư), từ đầu năm 2023 đến nay, nhà thầu thi công không triển khai thi công tất cả các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, các công trình trên nằm tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Việc chậm triển khai thi công hoàn thành công trình đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng (đường giao thông, cột điện, ...) trong khu vực.
Sở GTVT TPHCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2 và đoạn 4) thuộc địa bàn quận Bình Thạnh. |
Đặc biệt, có những vị trí đã được bàn giao mặt bằng từ năm 2020 đến nay nhưng nhà thầu thi công vẫn chưa triển khai thi công, cụ thể là chưa thi công 1.009m tại công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 và 1.300m tại đoạn 4. Sở GTVT TPHCM cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng tại các vị trí khác của dự án.
Bên cạnh đó, theo Quyết định UBND TPHCM, kế hoạch vốn được giao cho công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 là 105 tỷ đồng và đoạn 4 là 140 tỷ đồng. Sở GTVT nhận thấy với tiến độ thi công như hiện nay sẽ không bảo đảm việc giải ngân theo kế hoạch vốn được giao.
Nhằm bảo đảm mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách, Sở GTVT đề nghị Ban Giao thông khẩn trương báo cáo cụ thể tình hình thi công công trình từ lúc khởi công đến thời điểm hiện nay.
Trong đó, tập trung vào: Tiến độ giải phóng mặt bằng; Công tác thi công, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát.
Chủ đầu tư cần báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ thi công; Phân định rõ trách nhiệm của các bên quan, đề xuất biện pháp xử lý đối với việc chậm tiến độ hoặc vi phạm các có liên điều khoản của hợp đồng xây dựng đã ký kết và theo quy định của pháp luật.
Ban Giao thông cần đề xuất giải pháp triển khai thi công. Trong đó nêu rõ mốc thời gian thi công hoàn thành các hạng mục công trình, bảo đảm đúng theo tiến độ giải ngân của năm 2023.
Đối với phần mặt bằng đã được bàn giao nhưng chưa được triển khai thi công, Ban Giao thông phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm làm ảnh hưởng đến công tác triển khai thi công công trình sau này. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, để có giải pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng ngập vào nhà dân khi triều cường dâng cao hoặc thời tiết mưa lũ bất thường.
Đối với các hạng mục công trình đã thi công hoàn thành, trước tình hình mùa mưa lũ sắp tới, yêu cầu nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan thường xuyên thực hiện quan trắc, đo đạc địa hình lòng sông, các bộ phận chịu lực chủ yếu của công trình như đỉnh kè, thảm đá, cọc, ...