Theo chân nữ lao công ngày đi gom rác, tối hát phòng trà ở TPHCM
TPO - Sau những giờ cặm cụi rảo bước qua các chung cư, khu phố trong hành trình mưu sinh, chị Tô Thị Sự (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) lại trở về với niềm đam mê ca hát vốn đã “ngấm vào máu”.
Mỗi ngày, chị Tô Thị Sự (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) thức dậy lúc hơn 3h sáng để chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình. Tờ mờ sáng, hai vợ chồng nữ lao công rời căn nhà nhỏ ở huyện Nhà Bè để bắt tay vào công việc thu gom rác tại các khu phố, chung cư trên địa bàn quận 4, TPHCM.
Để có được một cuộc sống yên bình hiện nay đối với chị Sự là cả một hành trình vươn lên không ngừng. Bởi khi mới 21 tuổi, chị không may bị tai nạn nổ bình ga với thương tích nặng nề. Tai hoạ ập đến giữa tuổi thanh xuân khiến cô gái trẻ từng nghĩ đến cái chết để kết thúc những tủi cực của số phận.
Phải trải qua cả chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, những vết thương chi chít trên người chị mới dần lành lặn. Dù vậy, những lúc trái gió trở trời cũng khiến chị đau gân, nhức mình, nhức đầu, kể cả hay quên... Và những vết thẹo do bỏng gây nên thì vẫn in hằn theo năm tháng.
Số phận run rủi, chị Sự gặp anh Võ Bình Hòa (người bị bỏng với tỷ lệ thương tật còn hơn cả chị) rồi cả hai đem lòng yêu thương nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình, đồng hành trên những chặng đường cuộc sống, công việc.
Chia sẻ với Tiền Phong, nữ lao công thổ lộ: "Thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, nhiều người muốn buông nghề rác vì sợ bị lây nhiễm dịch bệnh, nhưng tôi không có lựa chọn bởi nghèo khổ mà, chết quan trọng gì". Và rồi cái nghề này gắn với chị y như chính đam mê với việc ca hát đã ăn sâu vào tiềm thức chị từ nhỏ.
Chị Tô Thị Sự cho biết bản thân đã thích ca hát từ nhỏ, từng tham gia các đội văn nghệ ở trường, xóm, xã. Tuy nhiên do nhà nghèo nên không có điều kiện đi học bài bản… "Lớn lên, ước mơ đến gần hơn với văn nghệ khi có nhiều người nhận xét mình có chất giọng, cần quá trình đào tạo bài bản. Nhưng tai nạn ập đến nên mình khát vọng cũng dang dở...", chị tâm sự về một đoạn đời gian truân.
Sau những giờ phút vất vả trong công việc mưu sinh, người phụ nữ quê xứ Nghệ lại tìm đến lời ca tiếng nhạc, niềm đam mê mà chị khẳng định là đã "ngấm vào máu". Thời gian qua, chị Sự đã dần quen với thời gian biểu: Sáng đi thu gom rác, tối hòa vào không gian của âm nhạc và ca hát sau khi đã cố gắng chu toàn cho gia đình.
"Đam mê thì không phân biệt tuổi tác, xấu đẹp, đam mê vào máu và muốn theo đuổi đến cùng. Mỗi người có một đam mê, tôi có đam mê hát thôi. Tôi muốn làm điều gì đó để mẹ tự hào về con gái", chị Sự trải lòng.
Năm ngoái, chị có kết nối trên mạng với nhạc sĩ Hồng Xương Long và được ông tặng một bài hát mới. "Tôi chỉ hát mấy câu và gửi cho nhạc sĩ nghe thì được khen hát tốt và ông hữu duyên tặng bài này để thu", chị cho hay và đây cũng là động lực để chị tiếp bước con đường âm nhạc nhiều duyên nợ. Thời gian qua, cùng với việc rèn luyện, đi hát phòng trà, chị cũng đã lập kênh YouTube cá nhân để lan tỏa lời ca tiếng hát đầy sâu lắng đến với nhiều khán giả. Những bài hát trên mạng chị cũng được yêu thích và trở thành nguồn cảm hứng với nhiều người.
Hiện gia đình của chị Sự sống tạm trong ngôi nhà nhỏ được xây tạm trên mảnh đất của người thân ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Lâu nay nữ lao công vẫn ao ước rằng một mai khi tích cóp đủ, hai vợ chồng sẽ xây một căn nhà đàng hoàng để sinh sống. Và chị vẫn đang nuôi dưỡng tương lai bằng những nỗ lực vươn lên hàng ngày, với sự đồng hành, sẻ chia hết mình của người chồng.