Hà biển (cùng họ với con hàu) có hình dáng gần giống như con trai thường sống ở các ghềnh đá ven biển. Hà thường lẫn trong bọt sóng biển dạt vào các ghềnh đá rồi nhờ một chất dịch có tính a-xít tiết ra từ người đục đá làm tổ.
Đối với ngành hàng hải, hà biển là “kẻ thù không đội trời chung” bởi chúng không chỉ đục được tất cả các loại đá mà còn đục được cả bê-tông. Theo đó, chúng trở thành hiểm họa đối với các công trình ven biển như đê, kè, nhà cửa, cầu tàu…
Mặt khác, hà biển lại được coi là “lúa” mang lại nguồn thu nhập cho những người dân ven biển Đồ Sơn. Tại đây, có rất đông người dân sinh sống tại các phường ven biển mưu sinh bằng nghề gõ hà. Mỗi khi thủy triều xuống tại các bãi như: Bãi Vạn Ngang, Đầu rừng, biệt thự 21, casino,… hàng trăm người dân lại rủ nhau tất bật đi gõ hà. Cũng bởi vậy, hình ảnh những tảng đá lỗ chỗ như tổ ong do thợ gõ hà để lộ ra lòng vỏ cườm trắng muốt đã không còn xa lạ tại vùng biển Đồ Sơn.
Hà biển Đồ Sơn được chia thành hai loại hàu là hàu ve và hàu bản. Trong đó, người dân chủ yếu gõ hàu ve để mưu sinh còn hàu bản nằm ở phần đá sâu dưới nước nên thường do các thợ chuyên nghiệp khai thác.
Theo chân chị Hương (37 tuổi, trú tại phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) một người gắn bó với nghề gõ hà hơn 20 năm tới bãi đá thuộc Bãi 1 (Đồ Sơn, Hải Phòng), chúng tôi được mục sở thị những con hà có vị đậm, ngậy từ đâu mà có.
Để khai thác hà rất đơn giản, mỗi người chỉ mang theo một chiếc búa nhọn 2 đầu, cặp lồng để đựng là có thể bắt đầu công việc. Khi tách hà khỏi những lớp vỏ đá cứng, bén nhọn yêu cầu người gõ hà phải thật tinh mắt và khéo léo.
"Công việc tỉ mẩn lại cần khéo tay nên hầu như người làm nghề gõ hà là phụ nữ. Mỗi ngày, gõ hà thông từ trưa cho đến tối mỗi người được khoảng hơn 1kg hà, thời tiết thuận lợi hơn thì được 2kg. Đối với thợ chuyên gõ theo đơn đặt của các nhà hàng thì thu hoạch được tầm 4 - 5kg hà/ngày".
Sau khi được tách khỏi vỏ, hà được lọc nhiều lần bằng nước biển trong cho hết rám (phần võ lẫn trong hà) và bán hết ngay trong ngày hôm đó. Do số lượng thu hoạch không nhiều nên hầu như tại các chợ trong nội thành rất hiếm khi có loại hà bán sẵn mà phải đặt trước. Cũng theo người gõ hà cho biết, hà đưa vào nội thành thường bị ngâm nước nên sẽ không giữ được độ tươi ngon nữa. Do hà có vị ngậy, ngọt và giá trị dinh dưỡng cao nên thường được chế biến thành các món như cháo, canh chua, xào, rán cùng trứng,…
“Vụ hè giá hà dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng còn cuối năm do khai thác được ít mà con hà mập, đậm vị hơn nên giá mỗi kg là 120.000 đến 150.000 đồng. Rất nhiều người thích ăn hà, đặc biệt là đấng mày râu bởi lời truyền tai ăn hà tốt cho sinh lý”.
Mặc dù hà có thể khai thác quanh năm nhưng thời điểm hà nhiều nhất chủ yếu diễn ra từ tháng 11 âm lịch đến tháng 6 năm sau. Theo kinh nghiệm của những thợ gõ hà lâu năm, khoảng thời gian hà đá ngon và được giá nhất là từ tháng 10-12 âm lịch. Tuy nhiên, mùa này khai thác hà rất vất vả, số lượng cũng ít hơn vụ hè bởi thời tiết mưa rét khắc nghiệt.
Nghề gõ hà bấp bênh theo từng con nước cùng với môi trường làm việc gắn liền với những mỏm đá ven biển nên tồn tại rất nhiều rủi ro. Nhẹ thì hà cứa đứt tay, xước chân, nặng hơn là những căn bệnh mãn tính theo cả cuộc đời.
Cô Nguyễn Thị Sơn (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) bỏ găng rồi cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên bàn tay: “Vỏ hà rất sắc nên việc bị bị xây sát chân tay là không tránh khỏi. Cứ vết mới chồng vết cũ, chúng tôi đã quen rồi nên chẳng cần bôi thuốc mà chỉ nhúng qua nước biển sát trùng rồi để dần sẽ khỏi”.
“Việc làm việc dưới gió biển quanh năm còn khiến những người gõ hà phải chịu những căn bệnh về xương, khớp. Bữa nao trời trở gió, cơn đau cứ dai dẳng cả đêm chẳng ngủ nổi” cô Sơn chia sẻ thêm.
Vất vả, rủi ro là vậy nhưng thu nhập mà nghề gõ hà mang lại cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống thường nhật. Ấy vậy khi được hỏi liệu có từ bỏ hay không, những người gắn bó lâu năm với nghề gõ hà lắc đầu cười nói: “Được nhiều thì đem ra chợ bán lấy tiền nuôi tụi nhỏ còn ít vẫn đủ nấu bát canh chua ấm bụng ngày đông mà!”.