Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có hơn 315 ha diện tích khai thác rươi và cáy, trong đó xã Tứ Xuyên có khoảng 80 ha (tăng 10ha so với năm 2018), còn lại thuộc xã An Thanh với khoảng 200 hộ làm nghề khai thác rươi. Trước kia, người dân bắt rươi bằng dụng cụ hớt trên mặt nước, nhưng nay họ lợi dụng con nước, đắp đập tạo thành các cửa cho nước ra vào rồi chặn túi lưới để bắt.
Con rươi sống chủ yếu trong các ruộng lúa một vụ. Sau khi thu hoạch lúa, ruộng được rải rơm, cày tơi xốp và đào rãnh xung quanh để ruộng khô. Vào khoảng 20/9 âm lịch hàng năm, khi thủy triều theo sông Thái Bình chảy vào ngập ruộng, rươi nổi lên và khi nước rút sẽ theo con nước chảy ra sông. Rươi ở đây được khai thác quanh năm, tuy nhiên các tháng 9-10-11 âm lịch mới là mùa rộ nhất. Vào buổi tối, khi thấy ánh sáng những con rươi thân căng mọng bật lên mặt nước.
"Gia đình tôi làm nghề bắt rươi lâu năm nên xây các cửa đập nhỏ đưa nước từ sông Thái Bình vào ruộng. Khi rươi nổi lên tháo nước để rươi chảy vào túi lưới. Cứ sau khoảng 10 phút lại phải kiểm tra túi lưới để vớt rươi lên", anh Bùi Văn Cách, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) cho biết.
Những ngày chính vụ, với mỗi sào ruộng (360 m2) nếu thời tiết thuận lợi, rươi lên đều, người nông dân có thể thu hoạch được 40-50 kg rươi.
Những chiếc chậu sạch được cho thêm nước giúp rươi nhả bớt nhớt, sau đó vớt lên để ráo nước.
Những con rươi đầu mùa thường có thân hình săn chắc nhiều sữa bên trong. Màu của rươi phụ thuộc vào nguồn nước, thông thường chỉ có màu xanh và hồng đỏ.
Lái buôn thường có mặt từ sớm để đón mua rươi của người khai thác. Thông thường, rươi vớt lên bờ bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhiều khi không đủ để bán cho thương lái. Mùa rươi cũng là mùa cưới nên món rươi không thể thiếu trong mâm cỗ ở Tứ Kỳ.
Rươi đầu mùa năm nay có giá bán thấp hơn cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 400 nghìn đồng mỗi kg (năm 2018 có lúc lên tới 530 nghìn một kg). Rươi là một loại giun sinh sống dưới nước, con trưởng thành dài từ 7 đến 10 cm, bề ngang khoảng 5- 0,6 cm, thân mình dẹp có màu hồng, xanh nhạt... Rươi sống dưới bùn đất trong lớp bùn đáy sông hoặc trong các ruộng nước. Môi trường sống thích hợp là nước lợ. Con rươi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất giàu đạm, và chứa nhiều loại muối khoáng cần thiết cho cơ thể như canxi, photpho, sắt và kẽm…