Theo chân lính phòng hóa tiêu độc ổ dịch

18 giờ 50 ngày 28/3, công tác khử trùng, tiêu độc tại BV Bạch Mai bắt đầu Ảnh: Nguyễn Minh
18 giờ 50 ngày 28/3, công tác khử trùng, tiêu độc tại BV Bạch Mai bắt đầu Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Tối 28/3, toàn bộ không gian Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nơi có ổ dịch COVID-19 đã được Binh chủng Hóa học khử trùng, tiêu độc. PV Tiền Phong là một trong hai nhà báo dân sự được “đặc cách” đi cùng đoàn xe đặc chủng của lực lượng phòng hóa vào đây tác nghiệp.  

Trưa 28/3, PV Tiền Phong nhận cuộc điện thoại từ Binh chủng Hóa học, nội dung ngắn gọn: “Tối nay, bộ đội phòng hóa vào Bạch Mai khử khuẩn. Nhà báo sẵn sàng phương tiện tác nghiệp. Trang phục bảo hộ, chúng tôi đã chuẩn bị”. Ba giờ chiều, đại tá Nguyễn Xuân Đĩnh, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, cho biết, tổ công tác của Binh chủng đang trinh sát thực địa tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai để lên phương án chi tiết cho quá trình khử trùng, tiêu độc 64.000 m2…

Cuối giờ chiều, PV có mặt tại khu vực đường Trần Duy Hưng, nơi tập kết của đoàn xe đặc chủng vào ổ dịch. Lúc này, đại tá Phạm Xuân Hưng, Phó Tư lệnh Binh chủng Hoá học - người trực tiếp chỉ huy lực lượng “tắm rửa” BV Bạch Mai và đại tá Nguyễn Xuân Đĩnh đang hội ý, rồi hạ đạt mệnh lệnh hành quân cho gần 70 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Tiểu đoàn 905.

Theo chân lính phòng hóa tiêu độc ổ dịch ảnh 1 Tác chiến theo tổ đội được phân công từ trước, các chiến sĩ phòng hóa khử khuẩn kỹ lưỡng từng mét vuông các trục đường nội bộ và hành lang
Trước khi xuất phát, từ chỉ huy tới cán bộ, chiến sĩ, nhân viên lái xe và phóng viên đều phải mặc trang phục phòng hộ do Binh chủng Hóa học trang bị. 

Đại tá Hưng cho biết, bộ đội phòng hóa nhận được chỉ đạo thực hiện khử trùng, tiêu độc tại BV Bạch Mai từ trưa 28/3. Ngay trong buổi chiều, Binh chủng đã cử lực lượng vào trinh sát thực địa, lên kế hoạch phân công sử dụng lực lượng và lên phương án khử trùng ở từng trục đường nội bộ và các khu hành lang trong bệnh viện một cách kỹ lưỡng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, yếu tố tiên quyết là bộ đội Hóa học cần đảm bảo an toàn cho chính lực lượng của mình.

“10 phương tiện đặc chủng được huy động gồm trạm tiêu độc đa năng, xe tẩy độc, khử trùng… Bên cạnh đó là súng phun hóa chất cùng nhiều trang thiết bị khác và các loại hóa chất chuyên dùng. Nồng độ hóa chất phun tẩy trùng các bề mặt được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế”, đại tá Hưng nói.

Theo chân lính phòng hóa tiêu độc ổ dịch ảnh 2 Một chiến sĩ giúp đồng đội khởi động thiết bị phun khử trùng đeo lưng
Cơn mưa hóa chất

Khoảng 18 giờ 35 phút, đoàn xe tới cổng BV Bạch Mai, các lực lượng kiểm soát quân sự, công an, bảo vệ, nhân viên y tế đang rải quân nhiều lớp chốt chặn ở đây. Chiếc xe đi đầu chở PV Tiền Phong dừng lại vài phút để kiểm tra thân nhiệt từng người trên xe và sát khuẩn tay. Bên ngoài cổng, phóng viên nhiều báo đã đổ về đây nhưng do thủ tục kiểm soát ngặt nghèo nên không vào được. Một cán bộ chính trị Binh chủng Hóa học đi cùng xe chở PV Tiền Phong nói: “Nếu cậu không ngồi xe của chúng tớ thì cũng khó vào đây”.

Hơn một giờ sau đó (từ 18 giờ 50 đến 20 giờ tối), các xe đặc chủng nối đuôi nhau phun khử trùng, tạo thành cơn mưa hóa chất dày đặc trên từng mét vuông từ khu vực ngoài cổng đến các khu nhà, trục đường, hành lang, cây cối trong bệnh viện. Ngoài bộ phận trên các phương tiện, các tốp chiến sĩ phòng hóa trang bị súng phun hóa chất rà kỹ mọi vị trí mà xe đặc chủng không tiếp cận được. Mải miết chạy theo đoàn xe và các tốp chiến sĩ, chiếc máy ảnh của PV ướt đẫm dung dịch khử khuẩn, khắp người nồng nặc mùi hóa chất…

Theo chân lính phòng hóa tiêu độc ổ dịch ảnh 3 BV Bạch Mai thấm đẫm hóa chất tiêu độc, dù được trang bị đồ bảo hộ của lực lượng phòng hóa, nhưng PV Tiền Phong  vẫn cảm thấy ngộp thở
“Bộ đội phòng hóa thường xuyên làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ, độc hại, nguy hiểm như các khu vực nhiễm xạ, nhiễm độc, nhiễm trùng. Với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân phục vụ, không ngại khó khăn, gian khổ, chúng tôi xác định ngay từ đầu mùa dịch là luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao, vào các tâm dịch, các khu vực ổ dịch để tiến hành tiêu tẩy đảm bảo cho sự an toàn của nhân dân”, đại tá Hưng khẳng định. 

Theo đại tá Hưng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ đều tẩy trùng cho mỗi cá nhân, phương tiện kỹ càng, nhằm đảm bảo không mang mầm bệnh về đơn vị. 

“Qua mỗi lần tham gia dập dịch, chúng tôi hy vọng tạo được các khu vực sạch, nhưng mong muốn cao nhất là không còn các ổ dịch. Mọi người dân cần có ý thức giữ gìn tốt sức khỏe của bản thân, gia đình, giữ sức khỏe cho cộng đồng, chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch. Có như vậy mới không xuất hiện những ổ dịch như thế này. Nếu được như vậy, tôi tin tưởng công tác phòng, chống dịch sẽ nhanh chóng kết thúc và chúng ta sẽ chiến thắng”, Phó Tư lệnh Binh chủng Hóa học nói. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.