Theo chân “Đội xe cứu thương tình nguyện” cứu hàng trăm F0 giữa tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
Sài Gòn những ngày khốc liệt, giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, bất kể giờ nào, chỉ cần nhận lệnh điều phối, các tài xế lái xe cứu thương lại lên đường. Trong số các lực lượng đó, có Đội xe cứu thương tình nguyện do công ty cổ phần Apollo Silicone thành lập.

Rong ruổi trên khắp các nẻo đường Sài Gòn hơn 1 tháng nay, 10 nam thanh niên của Apollo Silicone gác lại mọi niềm riêng, rời xa gia đình, đi theo tiếng gọi nghĩa tình để tham gia hỗ trợ địa phương chống dịch. Trước khi trở thành những “tài xế” lái xe chở F0 đi vào tâm dịch, nhiều người trong số họ làm công việc văn phòng đơn thuần. Các thuật ngữ y khoa phức tạp như tầm soát sàng lọc, khoanh vùng xét nghiệm, ...từ lúc còn xa lạ trở nên dần quen thuộc với các anh sau hàng trăm chuyến xe cấp cứu được chuyên chở.

Đội xe hiện có 5 xe được phân về các bệnh viện trực thuộc Thành phố Thủ Đức, gồm: Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh viện Lê Văn Việt, bệnh viện Thành phố Thủ Đức và Trung tâm Y tế Thủ Đức.

Một ngày làm việc của các tài xế thường bắt đầu từ 7 giờ sáng. Công việc chính là lái xe cứu thương chuyên chở các bệnh nhân F0 về nơi điều trị và cách ly tập trung. Ngoài ra, tùy vào sự phân công của bệnh viện trực thuộc mà các tài xế còn chở đội ngũ y tế đến các địa điểm tiêm vắc-xin, lấy mẫu xét nghiệm hoặc vận chuyển vắc-xin.

Theo chân “Đội xe cứu thương tình nguyện” cứu hàng trăm F0 giữa tâm dịch ảnh 1

Bữa ăn sáng vội vàng của các tài xế trước giờ bắt đầu công việc

Trước khi bắt đầu nhiệm vụ, các tài xế được hướng dẫn cách tự bảo vệ bản thân khi tiếp xúc gần với F0, cách mặc đồ bảo hộ, sử dụng băng-ca xe cứu thương, cách kiểm tra bình oxy để đảm bảo lúc nào trên xe cũng phải đầy đủ oxy.

Nói về cơ duyên trở thành tài xế “nghiệp dư” của đội xe cấp cứu, anh Phạm Thế Hoà - Đội trưởng Đội xe cứu thương tình nguyện Apollo cho biết: “Mình xem TV thấy thông tin thiếu hụt lực lượng xe cứu thương, nên mấy anh em trong văn phòng kiến nghị lên công ty và may mắn được công ty đồng cảm, chấp thuận, bố trí mua xe cho các anh em”. Chia sẻ thêm, Hòa tâm sự bản thân anh và các tài xế còn lại đều là dân tứ xứ hội tụ về Sài Gòn để sinh sống, làm việc và lập nghiệp, tính đến nay có đến gần 10 năm. Chính vì thế, ai trong các anh đều cảm thấy nợ mảnh đất hiền hòa này một ân tình, để rồi khi chứng kiến Sài Gòn “nguy kịch”, không ai có thể ngó lơ.

Theo chân “Đội xe cứu thương tình nguyện” cứu hàng trăm F0 giữa tâm dịch ảnh 2

Một chuyến xe chở F0 đi điều trị tại bệnh viện

12 giờ trưa, các tài xế hoàn thành ca trực buổi sáng, ăn vội hộp cơm, tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ca chiều.

Từ khi nhận nhiệm vụ, các tài xế ăn uống không còn đúng bữa nữa, rảnh giờ nào ăn giờ đó để luôn trong tư thế sẵn sàng cho những ca cấp cứu khẩn cấp. Thời gian đầu, vì chưa quen nên các anh cảm thấy mệt mỏi, thêm vào đó là việc phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài. Nhưng qua đó, các anh hiểu thêm được nỗi vất vả, khó khăn của lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm xả thân để cứu sống bệnh nhân.

Theo chân “Đội xe cứu thương tình nguyện” cứu hàng trăm F0 giữa tâm dịch ảnh 3

Tranh thủ chút nghỉ trưa hiếm hoi để kịp thay trang phục uớt sũng mồ hôi sau lớp áo bảo hộ

Không ai trong số các tài xế của đội xe tình nguyện Apollo có kinh nghiệm lái xe cứu thương từ trước, chính vì thế, khi tiếp nhận chở các bệnh nhân cần hồi sức khẩn cấp, các anh không khỏi khẩn trương. Tài xếPhạm Thanh Tuấn hồi tưởng lại lần chở một cụ ông từ khu cách ly tập trung đi cấp cứu: “Lúc đó đường vắng, mình chạy với tốc độ phải đến 100-120 km/h. Trong đầu mình trống rỗng, chỉ nghĩ làm sao để đưa cụ đến bệnh viện nhanh nhất có thể, cụ yếu lắm rồi. Khi cụ được cấp cứu và có ý thức trở lại, tâm trạng mình giống từ trên mây rơi xuống đất liền. Giây phút đó mình rất xúc động vì đã trực tiếp góp phần cứu sống một sinh mạng”.

“Lái xe thì dễ, nhưng lái xe cứu thương thì không đơn giản, vừa phải nhanh chóng, thần tốc nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và đội ngũ hỗ trợ. Đây có lẽ là trải nghiệm mà mình sẽ không bao giờ quên được” - Tài xế Tuấn bộc bạch.

Hơn 1 tháng lái xe cứu thương cũng là từng ấy thời gian các tài xế chưa về thăm gia đình. Các anh được Ban lãnh đạo Apollo sắp xếp một khu vực nghỉ ngơi “dã chiến” tại một nhà kho bỏ trống của công ty. Gọi là dã chiến nhưng được ban hậu cần của công ty chăm lo đầy đủ đồ dùng, thực phẩm thiết yếu để các anh an tâm làm nhiệm vụ.

Mỗi tài xế một hoàn cảnh. Vợ của tài xế Hòa vừa sinh em bé được 3 tháng, anh nói dối với gia đình là đăng ký tình nguyện chở vật tư, thực phẩm, đến khi lái xe cứu thương được vài ngày mới thú thật việc chuyên chở F0. Hay như tài xế Nguyễn Văn Thịnh là trụ cột kinh tế và là con trai duy nhất trong gia đình có bố mẹ cao tuổi nhưng anh vẫn tình nguyện đi vào tâm dịch nguy hiểm. “Khi biết mình tình nguyện đăng ký tham gia vào đội xe cứu thương, lúc đầu mẹ cũng lo lắng lắm nhưng vẫn ủng hộ và khuyến khích mình tham gia các hoạt động vì cộng đồng” - Thịnh tâm sự.

Mỗi ngày một xe cứu thương chở được từ 5 đến 7 chuyến, đưa từ 30 đến 40 ca F0 đi cách ly hoặc điều trị. Công việc của các tài xế thường kết thúc vào 8 giờ đêm. Xe cứu thương được khử khuẩn cuối mỗi ngày để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Theo chân “Đội xe cứu thương tình nguyện” cứu hàng trăm F0 giữa tâm dịch ảnh 4

Tài xế hỗ trợ bệnh nhân lên xe cấp cứu

Đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng khi được hỏi có sợ gì không, các anh đều tươi cười nói: “Ngay từ đầu khi đăng ký tình nguyện, mình đã biết sẽ chở F0 rồi. Anh em cũng xác định đây là làm việc nghĩa, việc thiện. Thời điểm này rất cần sức mạnh của cộng đồng, của tuổi trẻ để phòng chống dịch bệnh, mình có sức khỏe mà sợ nữa thì ai sẽ làm”. Bên cạnh đó, các tài xế luôn ý thức tuân thủ nghiêm quy tắc về phòng, chống dịch và giữ khoảng cách an toàn với các ca bệnh trong suốt quá trình làm việc

Công việc dẫu có vất vả, nhiều rủi ro nhưng với với các tài xế của đội xe, được giúp đỡ cho người dân, giúp đỡ cho cộng đồng, góp phần cùng với địa phương chiến thắng dịch bệnh là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này. Đó là tư tưởng được thấm nhuần bởi triết lý "lấy chân tình đáp lại ân tình" xuyên suốt gần 20 năm hoạt động của Apollo Silicone.

Dịch bệnh rồi sẽ qua mau, nghĩa đồng bào còn mãi, các tài xế xứng đáng là tấm gương kiên cường ở tuyến đầu, đại diện cho tinh thần thiện nguyện, nghĩa tình của Ban giám đốc và hàng trăm cán bộ, nhân viên Apollo ở hậu phương.

Chúc các anh “chân cứng đá mềm”. Rồi Sài Gòn sẽ hết dịch và sẽ lại như xưa - sôi động và náo nhiệt như mảnh đất này vốn như vậy...

MỚI - NÓNG