Thêm sinh khí cho không gian văn hóa hồ Tây

Không gian hồ Tây nhiều tiềm năng chờ đánh thức. Ảnh: Phạm Hùng.
Không gian hồ Tây nhiều tiềm năng chờ đánh thức. Ảnh: Phạm Hùng.
TP - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn rục rịch khai trương, cùng với một số hoạt động văn hóa khác vừa qua mở ra cơ hội mới cho những ý tưởng hay, góp phần kiến tạo không gian văn hóa trong tương lai.

Đánh thức

Hà Nội chủ động đưa một số hoạt động văn hóa lớn như bơi chải thuyền rồng, lễ hội hoa hồng về khu vực hồ Tây vừa qua chính là phép thử thận trọng để phát triển không gian văn hóa ở đây. Không gian phố đi bộ hồ Gươm làm khá tốt sứ mệnh, nhưng kỳ thực thành ra quá tải mỗi dịp lễ tết. Mọi ngả đường đều đổ về hồ Gươm nên dễ gây ách tắc, chen lấn và ngột ngạt cho không gian vốn nhỏ bé này. Một loạt dự án kết nối, mở rộng không gian phố đi bộ Phùng Hưng, không gian chợ Đồng Xuân và phố cổ cũng là hướng giảm tải.

Xa hơn, Hà Nội mở không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở quận Tây Hồ với nhiều tham vọng. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói rằng Hà Nội ngày càng hướng tới những sản phẩm mới, phong phú phục vụ du khách. Sự chuyển dịch từ trung tâm hồ Gươm về các khu xa hơn là lẽ tất yếu.

“Đáng ra phải làm từ lâu rồi, bây giờ mới làm thì chậm trễ quá”, KTS. Đoàn Kỳ Thanh nói. Với thế mạnh người thiết kế không gian cộng đồng, Đoàn Kỳ Thanh phân tích, dưới góc độ đô thị không nên tập trung vào quá trung tâm, phải tạo nên trung tâm phụ theo bán kính nhất định phục vụ cộng đồng.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khoe phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở giai đoạn nước rút cho ngày khai trương. Sau một thời gian trì hoãn, chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân và điều chỉnh những điều chưa phù hợp: Các ki ốt cố định ban đầu nay được thay bằng ki ốt di động, chính quyền chủ động để người dân có nhu cầu đăng ký tham gia kinh doanh. Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn dự kiến khai mạc tối thứ 6 đầu tiên của tháng 5. Muốn tổ chức tốt không gian này, KTS. Đoàn Kỳ Thanh cho rằng Tây Hồ nên học Hoàn Kiếm ở cách thúc đẩy đối thoại, để người dân đến hồ Gươm “ai cũng thấy mình có phần, họ có nhu cầu tới đó”.

Không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ là một phần nhỏ nương theo địa thế sẵn có của Hồ Tây, các chuyên gia tiếc hơn cả là lớp văn hóa lịch sử và cả điều kiện tự nhiên ưu đãi ở không gian này còn chưa được đánh thức. Đơn giản nhất như diện tích mặt nước khoảng hơn 500 ha gần như bỏ phí, rồi hệ thống làng nghề xung quanh Tây Hồ chưa được khai thác tốt để phục vụ du lịch và các hoạt động khác. Hỏi ông Nguyễn Đình Khuyến về những ý tưởng, dự định dài hơi hơn ngoài tổ chức phố đi bộ, ông bày tỏ địa phương muốn trước hết làm tốt phố đi bộ. Ông Khuyến cũng nói việc phát triển không gian này còn phụ thuộc vào một số dự án của Hà Nội đang dở dang, đó là hai đài phun nước lớn, dự án nạo vét cải tạo hồ Tây.

Không thể duy ý chí

Hoạt động vừa rồi như bơi chải, lễ hội hoa hồng theo Đoàn Kỳ Thanh chỉ là “thêm hương hoa” bởi không gian cộng đồng thực sự phải hiểu theo nghĩa bao quát hơn. Ông phân tích, những nhu cầu thể chất hay văn hóa giải trí ở không gian cộng đồng chỉ là phụ, trước hết nó phải là nhu cầu kết nối rồi mới tới nhu cầu tiện ích, phụ trợ khác.

“Chúng ta xây dựng không gian cộng đồng chứ không phải chương trình giải trí-làm cái này nên dành cho các nhà hát”, Đoàn Kỳ Thanh nói. Điều cần nhất theo phân tích của ông chính là việc chính quyền, người dân hiểu đúng về không gian cộng đồng, nhu cầu thực sự và sự tham gia của các bên. “Tôi không chỉ muốn đánh thức một quận, mà đánh thức tất cả các thành phố. Đó là trách nhiệm của nhà hoạch định chính sách, tạo dựng không gian cho cộng đồng. Tôi chỉ mong ở mỗi góc của thành phố có một không gian cộng đồng như vậy”, Đoàn Kỳ Thanh nói.

KTS.Nguyễn Việt Huy-người tham gia dự án đập thông vòm cầu Phùng Hưng, nay tham gia cải tạo Công viên nước hồ Tây- cho rằng có thể làm cả nghìn thứ để làm tăng giá trị cho khu vực Hồ Tây. Mặt nước gần như chưa làm được gì có ý nghĩa cho cuộc sống, cung đường vòng quanh hồ cũng bỏ phí cơ hội khai thác nhiều hoạt động đa dạng.

“Nếu chỉ đưa hoạt động đơn lẻ sẽ giống như thả thiên nga hồ Hoàn Kiếm mà thôi. Chúng ta phải làm bài bản đi từ ý kiến của người dân và cộng đồng. Không thể duy ý chí, không dựa trên ý kiến chuyên gia hay lãnh đạo để kiến tạo không gian này”, anh nói. Cái khó của Hà Nội ở chỗ thiếu không gian cộng đồng, vì lẽ đó KTS. Huy cho rằng càng cần cẩn trọng, nên điều tra và có phương pháp đúng nếu không muốn gây hậu quả nguy hiểm. “Nếu chúng ta không điền dã, không thống kê thì sẽ rơi vào tình trạng như lát đá vỉa hè bởi người dân không có nhu cầu”, anh nói.

GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ ra thận trọng. “Theo tôi muốn làm phải có điều tra, nghiên cứu cẩn thận để xem khu vực đó còn khả năng đến đâu, rồi chuyển đổi chức năng và xem xét cần điều chỉnh những gì”. Theo phân tích của GS. Thông, quỹ đất đai quanh hồ Tây cạn rồi, giá làm được không gian này từ mấy chục năm trước thì tốt hơn: Ngay cả diện tích của di tích cũng bị thu hẹp và xâm lấn, làng mạc bị đô thị hóa hết cả.

KTS. Nguyễn Quốc Thông gợi ý Hà Nội nên chuyển hướng, nghĩ tới những khu vực bên kia sông Hồng như đầm Vân Trì, dọc rẻo đất từ cầu Đông Trù lên đường Võ Nguyên Giáp. “Nếu làm được điều đó sẽ giúp cho Hà Nội cổ tốt hơn, và thực hiện cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên Hà Nội muốn làm cần nhanh chóng và cần có tầm nhìn dài hạn”, KTS. Thông nói.

MỚI - NÓNG