Cụ thể, VNECO và CTCP Sông Đà 11 (mã SJE) đã ký kết hợp đồng xây lắp về việc thực hiện gói thầu số 6 “Xây lắp đường dây 500kV đấu nối vào Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia”, với giá trị nghiệm thu quyết toán hơn 37 tỷ đồng.
VNE đã thanh toán và bù trừ công nợ cho Sông Đà 11 số tiền hơn 30 tỷ đồng. Số tiền chưa thanh toán còn gần 7 tỷ đồng, bao gồm 4,4 tỷ đồng đã đến hạn và 2,7 tỷ đồng là khoản tiền giữ lại 8% chờ quyết toán. Công ty cho biết, phần tiền giữ lại sẽ được thanh toán sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán.
Do VNECO chưa thanh toán kịp thời đối với số tiền còn lại nên CTCP sông Đà 11 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp.
Phía VNECO cho biết, ông Trần Quang Cẩn có quyết định của hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thôi làm tổng giám đốc, đến nay chưa thực hiện bàn giao hồ sơ và các thủ tục liên quan đến công tác thanh toán, công nợ các nhà thầu và các vấn đề liên quan trong thời gian ông Cẩn điều hành.
HĐQT đã đề nghị ban kiểm soát và yêu cầu phòng, ban nghiệp vụ phải rà soát từng công trình, dự án đã và đang triển khai, hồ sơ thủ tục có liên quan... nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan trong điều hành hoạt động kinh doanh, dẫn đến có sự chậm trễ trong việc thanh toán cho các đơn vị.
Công ty khẳng định đang tích cực thực hiện thanh toán công nợ cho CTCP Sông Đà 11 và cam kết sẽ thanh toán dứt điểm trong thời gian tới sau khi có kết luận rà soát số liệu và công nợ.
VNECO hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp đến 500KV (ảnh: VNECO). |
VNECO tiền thân là Tổng đội Xây lắp điện 3, thành lập ngày 25/10/1995 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Năm 2007, cổ phiếu của công ty niêm yết tại HoSE, và tăng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng.
Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp đến 500KV; xây dựng các công trình dân dụng; kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNE đang ở mức 4.020 đồng/đơn vị, nằm trong diện cảnh báo do chưa tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2024. Đến nay, VNECO chưa tổ chức đại hội, HĐQT đã nghị quyết rời thời gian tổ chức họp cổ đông đến tháng 9.
Vừa qua, liên tiếp doanh nghiệp trên sàn chứng khoán bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, như CTCP Đầu tư LDG (mã LDG), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG)… Trong diễn biến mới nhất, Đức Long Gia Lai cho biết đã nhận được quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Theo tòa án, Đức Long Gia Lai là công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, đang hoạt động kinh doanh bình thường và có nhiều công nhân lao động.
Báo cáo tài chính năm 2021, 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm nay cho thấy, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có lợi nhuận. Như vậy, DLG không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định Luật phá sản, bởi công ty tuy có các khoản nợ cụ thể đến hạn thanh toán nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong vòng 3 tháng cho Lilama 45.3.