Thêm cơ hội học đại học

Thêm cơ hội học đại học
TP - Các trường ĐH, CĐ được tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học (VLVH) đối với tất cả các ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo chính quy. Đây là quy định mới của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức VLVH vừa được Bộ GD&ĐT sửa đổi bổ sung.

Đối với ngành tuyển sinh lần đầu, trường được phép tuyển sinh hệ VLVH khi có văn bản giao nhiệm vụ đặt lớp tại địa phương của Bộ GD&ĐT; trường mở lớp tại địa phương phải có ít nhất 2 năm đào tạo chính quy ngành đó tại trường.

Hằng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức VLVH tổ chức tuyển sinh 4 đợt, vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11, mỗi đợt thi 4 ngày, lịch thi do hiệu trưởng nhà trường quy định. Các trường tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi được ưu tiên giao chỉ tiêu VLVH, nhưng không được dùng chỉ tiêu VLVH để liên kết tuyển sinh tại các vùng khác.

Đối tượng tuyển sinh gồm: mọi công dân đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trung học); người đã tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối với người tàn tật, khuyết tật, tuỳ tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học, hiệu trưởng xem xét, quyết định. Thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.

Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học.

Khối thi và môn thi của các trường, ngành năng khiếu: Khối N thi các môn: Ngữ văn, Kiến thức âm nhạc, năng khiếu âm nhạc; khối H thi các môn: Ngữ văn, Hội họa, Bố cục; khối M thi các môn: Ngữ văn, Toán, Đọc, kể diễn cảm và hát; khối T thi các môn: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT; khối V thi các môn: Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật; khối S thi các môn: Ngữ văn, 2 môn năng khiếu điện ảnh; khối R thi các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí; khối K thi các môn: Toán, Vật lý, Kỹ thuật nghề.

Thời gian làm bài đối với môn thi tự luận là 180 phút và đối với môn thi trắc nghiệm là 90 phút; thời gian làm bài thi môn năng khiếu, nghệ thuật do hiệu trưởng các trường quy định và thông báo công khai trước đợt thi 90 ngày. Thí sinh phải thi đủ số môn quy định. Không xét tuyển đối với thí sinh không dự thi đủ số môn thi theo quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG