Thế và vận nước lên thấy rõ

Thế và vận nước lên thấy rõ
TPO - “Hiện nay, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào các vấn đề lớn của thế giới, tiếng nói Việt Nam được cộng đồng quốc tế lắng nghe và trân trọng hơn”- nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyên Dy Niên nói

Nhân dịp Quốc Khánh 2/9, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyên Dy Niên trao đổi cùng Tiền Phong về vị thế của Việt Nam sau 68 năm giành độc lập.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: Công Khanh
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ảnh: Công Khanh.

Hãy cho hòa bình mọi cơ hội

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giới thiệu tới Tổng thống đương nhiệm Brack Obama bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946. Ông có thể chia sẻ về tính biểu tượng của hành động này?

Điều này cho thấy từ rất lâu, Việt Nam đã nhìn nhận Hoa Kỳ là một cường quốc, một đối tác quan trọng trong quan hệ đối ngoại.

Nhìn lại lịch sử, vào tháng 12/1912, Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước đến nước Hoa Kỳ đầu tiên. Tại đây, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu Cách mạng tư sản Hoa Kỳ năm 1776.

Tới 9/3/1945, Nhật đảo chính pháp ở Đông dương. Bằng nghệ thuật ngoại giao sắc sảo, Hồ Chí Minh đã làm cho Hoa Kỳ thấy được sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Việt minh trong nhiệm vụ chống Phát xít, nâng cao vị thế của Việt minh trong phong trào chống phát xít. Từ đó, Người tranh thủ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Đồng minh cho mục tiêu giành độc lập.

Với quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tất cả các mối quan hệ để thực hiện phương châm “Hãy cho Hòa bình mọi cơ hội”, và bức thư gửi Tổng thống Harry Truman chính là cách thực hiện điều đó.

Tới năm 1955, Người phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”.

Đây chính là tầm nhìn chiến lược vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề ngoại giao. Tầm nhìn cả thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cần phải có mối quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước. Tầm nhìn đó vẫn còn nguyên giá trị lịch sử .

Cùng trong chuyến thăm Hoa Kỳ, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu, “các nước lớn luôn có vai trò quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương; ASEAN mong muốn các cường quốc đóng góp một cách có trách nhiệm vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định, phát huy vai trò các cơ chế khu vực”. Ông đánh giá thế nào về phát biểu này?

Theo tôi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận dụng một cách có hệ thống và hiệu quả "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" vào hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong tình hình quốc tế phức tạp ở những năm đầu thế kỷ XXI.

Trong quan hệ quốc tế, các cường quốc luôn đóng vai trò quyết định trong việc duy trì hòa bình, ổn định. Việc các nước lớn đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc duy trì “hòa bình, ổn đinh, phát huy các cơ chế khu vực” cũng chính là quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, thế giới đã “phẳng” hơn và tính phụ thuộc của các quốc gia tăng lên rất nhiều. Vì tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu, năng lượng và an ninh lương thực… Điều đó cần sự nỗ lực của toàn thế giới không phân biệt đó là nước lớn hay nước nhỏ.

Việt Nam cũng đang đóng góp một phần không nhỏ trong các vấn đề đó như thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ, góp phần ổn định an ninh lương thực.

Một trong những thành quả lớn nhất của chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là hai bên đã tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện, ông chia sẻ gì về kết quả này?

Đây là một bước tiến lớn đối với hai nước bởi từ nay quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân cho đến thương mại và quân sự.

Như Tổng thống Obama đã nhận định, cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là dấu hiệu của "sự tiến triển ổn định và tăng cường các mối quan hệ" giữa hai nước sau một giai đoạn lịch sử phức tạp, bao gồm cả chiến tranh Việt Nam. Tôi đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một thành công.

Thành công khi Việt Nam đã truyền tải lập trường và quan điểm của mình tới Hoa Kỳ, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam hội nhập quốc tế một cách tích cực và chủ động. Hơn nữa, chính Hoa Kỳ cũng cảm nhận được sự tương đồng trong tầm nhìn và tư tưởng chiến lược với Việt Nam.

Hiện với quyết tâm chính trị và những hành động cụ thể, Hoa Kỳ đang từng bước hiện thực hoá việc chuyển hướng chiến lược sang khu vực Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, vậy theo ông điều này sẽ có tác động gì đến việc giải quyết những tranh chấp tại khu vực?

Trong tổng thể chiến lược “tái cân bằng” đối với châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ hết sức coi trọng quan hệ với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Úc. Hoa Kỳ coi đây là điểm tựa cho chiến lược do các mối quan hệ đồng minh sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện và duy trì ảnh hưởng một cách tương xứng với vị thế của họ.

Hoa Kỳ mong muốn những tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực. Vì thế, tôi đánh giá sự có mặt của Hoa Kỳ tại biển Đông sẽ có lợi cho hòa bình tại khu vực. Và Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía nào bởi quyền lợi của họ chính là đảm bảo tự do hàng hải, giao thương đúng luật mà không bị cản trở và hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa qua các vùng biển.

Đối với Việt Nam, kể từ năm 2009, Hoa Kỳ ngày càng có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi, giao lưu về an ninh và quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, y tế và hỗ trợ nhân đạo. Hoa Kỳ thấy sự cần thiết trong việc tăng cường hợp tác do Việt Nam sở hữu vị trí địa lý chiến lược tại một trong các vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới. Và cũng là cơ hội để Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với ASEAN. Tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ giúp Hoa Kỳ đạt được mục tiêu “tái cân bằng”.

Lòng tin chiến lược, niềm tin hòa bình

Tại diễn đàn Đối thoại Sangri-La lần thứ 12,, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vấn đề “xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”. Ông có bình luận gì về phát biểu này?

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại cụm từ “Lòng tin chiến lược” đến 17 lần. Tôi khẳng định, vấn đề “xây dựng lòng tin” đã được nói đến nhiều nhưng “xây dựng lòng tin chiến lược” lại chưa từng được đề cập. Khái niệm này không chỉ là “chìa khóa” cho những vấn đề trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài nhằm giải quyết những thách thức đối với an ninh khu vực.

Niềm tin chiến lược là cơ hội để thế giới an toàn hơn, phát triển hơn. Như Thủ tướng đã nói “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”.

Tôi đánh giá đây là bài phát biểu rất đúng lúc, đúng thời điểm, nhận được sự trông đợi, quan tâm của các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Bài phát biểu không chỉ xuất phát từ lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của ASEAN, của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cả khu vực này luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược… Việt Nam chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực”, được nhiều giới đồng tình và ủng hộ.

Như vậy, bài phát biểu cũng khẳng định rõ quan điểm đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, đó là không mong muốn có tranh chấp, chiến tranh mà luôn mong muốn xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung trong khu vực và trên thế giới.

Chuông có to, tiếng mới lớn

Theo quan sát và trải nghiệm của người hoạt động nửa thế kỷ trong ngành ngoại giao, ông có nhận đình gì về vị thế hiện nay của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Vị thế quốc tế của Việt Nam càng ngày càng tốt lên. Chúng ta ngày càng tham gia sâu hơn vào các vấn đề lớn của thế giới, tiếng nói Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế lắng nghe và trân trọng hơn.

Năm 1991, ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Năm 1995, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và gia nhập ASEAN. Sau đó chúng ta tham gia APEC, ASEM và rất nhiều tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việt Nam đã là chủ tịch luân phiên của ASEAN, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm Liên Hợp Quốc, tham gia lực lương gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… Chứng tỏ rằng, chưa bao giờ Việt Nam có được một vị thế quốc tế thuận lợi như hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thực lực như cái chuông, ngoại giao như tiếng chuông. Chuông có to, tiếng mới lớn”. Ngoại giao chỉ là cánh tay nối dài của đối nội, của tình hình trong nước, chứ không thể nào vượt quá được.

Năm 1973, tại hội nghị đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, chúng ta cũng biết rằng có thắng ở chiến trường mới thắng ở bàn hội nghị. Tới thời bình, thực lực kinh tế của mình phải mạnh, vị thế quốc tế của ta mới cao được.

Tuy nhiên dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào điều quan trọng nhất của chúng ta là luôn bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tiếp đó là đảm bảo lợi ích của dân tộc dù đứng trên phương diện kinh tế, văn hóa hay bất kỳ lĩnh vực nào.

Và cuối cùng là duy trì bản sắc của dân tộc. Một trong bản sắc quan trọng nhất của Việt Nam chính là ý chí kiên cường gìn giữ độc lập chủ quyền. Như thời Trần, tại Hội nghị Diên Hồng, khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nươc họp bàn kế đánh giặc. Các cụ nói quyết chiến. Thượng hòang hỏi “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh”. Các cụ đáp “Hy sinh”.

Xin cảm ơn ông.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Em sẽ không từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo
Em sẽ không từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo
TPO - Vượt qua nỗi đau mất cha sau cơn bão số 3 (bão Yagi), Lý Thị Mai quyết tâm học tập thật tốt để trở thành cô giáo trong tương lai. Ngày định mệnh đó đã qua hơn 1 tháng nhưng với Mai, vết thương theo thời gian dường như càng ngày càng ngấm sâu.
Mãn nhãn màn diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô
Mãn nhãn màn diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô
TPO - Sáng 15/10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hà Nội khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã diễn ra chương trình diễu hành biểu dương lực lượng thanh niên Thủ đô. Đây là dịp để tôn vinh sức trẻ, nhiệt huyết và tinh thần cống hiến của thanh niên Hà Nội, những thế hệ thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên” đã và đang góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển, văn minh và hiện đại.