Viết cho Nhung ngày phụ nữ

Viết cho Nhung ngày phụ nữ
TP - Phụ nữ theo nghiệp thể thao, giỏi mấy rồi cũng như một chớp sáng trên bầu trời đêm, có khi chưa ai kịp nhìn thấy đã vội mất hút vào hư không. Hy sinh thật nhiều nhưng đổi lại cũng có khi là rất nhiều hờ hững. Nguyễn Thị Nhung với bắn súng cũng sẽ như vô số những HLV, VĐV nữ khác đang phải bươn bả với thể thao.
Viết cho Nhung ngày phụ nữ ảnh 1

HLV Nguyễn Thị Nhung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì tại buổi gặp mặt chúc mừng bắn súng Việt Nam giành HCV Olympic Rio 2016. Ảnh: VSI.

Chiếc HCV Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là đỉnh cao nhất thể thao Việt Nam từng vươn tới trong lịch sử. Ngoài cự li 10m súng ngắn hơi đoạt HCV, anh đồng thời giành thêm 1 HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm.

Đặt vào thời điểm Hoàng Xuân Vinh lập chiến tích trên, mới càng thấy hết ý nghĩa của nó đối với thể thao Việt Nam. Trên thực tế, Xuân Vinh không phải là gương mặt được chờ đợi nhất trước thềm Olympic 2016. Hy vọng số 1 của Việt Nam dồn vào hạng cân 56kg Cử tạ của đô cử Thạch Kim Tuấn. Nhưng rốt cuộc, Thạch Kim Tuấn thất bại, với lý do được báo cáo là chấn thương chưa bình phục hoàn toàn. Người trong cuộc thì biết rằng, đằng sau thất bại của Kim Tuấn còn cả một câu chuyện dài khác liên quan tới quá trình chuẩn bị, trước và sau khi có mặt tại Rio de Janeiro. Một ngôi sao khác của Việt Nam, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên thì ngay từ đầu, đã được dự báo sẽ là một thành công lớn nếu chỉ cần giành suất vào VCK các cự li môn bơi.

Trước Olympic Brazil 2016, thể thao Việt Nam vừa trải qua một kỳ Thế vận hội trắng tay ở London 2012.

Hai chiếc huy chương một vàng, một bạc của Hoàng Xuân Vinh tránh cho ngành thể thao một thất bại đã nhìn thấy rõ, trong bối cảnh vừa chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ. Ngày xạ thủ quân đội về nước, đích thân lãnh đạo cao nhất của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT ra tận sân bay để đón, trao hoa chúc mừng.

Chiến tích của Hoàng Xuân Vinh có công sức lớn từ bàn tay HLV Nguyễn Thị Nhung, người báo chí vẫn ví là “bông hồng thép” của thể thao Việt Nam. Có lẽ là do cá tính mạnh mẽ, sự quyết đoán và xả thân của Nhung, chứ chẳng người phụ nữ nào lại không dịu dàng, ẩn chứa nhiều nữ tính. Từ chuyện động viên tinh thần cho Hoàng Xuân Vinh khi thất bại, tới việc chuẩn bị cho đội tuyển bắn súng trước Olympic: tìm nơi tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài, vận động tài trợ… đều qua một tay Nguyễn Thị Nhung. Và có những sự hy sinh khác còn lớn hơn một phụ nữ như Nhung phải chấp nhận, để đổi lại thành công cho VĐV.

Nhưng đó có lẽ chưa phải nỗ lực lớn nhất của Nguyễn Thị Nhung, với bắn súng. Sau Olympic 2016, bỏ qua những hứa hẹn về tài chính, Nguyễn Thị Nhung bươn bả với những dự định đưa bắn súng trở nên phổ biến hơn. Một công việc vô cùng khó khăn, do tính chất của bắn súng phải đi kèm nhiều điều kiện. Nguyễn Thị Nhung phải hết sức tháo vát, kinh nghiệm và vận dụng các mối quan hệ để môn bắn súng có thể giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách ngành, kiếm thêm tiền. Tuyển bắn súng tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, có chị Nhung, có Xuân Vinh và cả những thành viên khác. Nếu so với giai đoạn trước đó của bắn súng, thì đó là một thay đổi ở mức độ khác biệt.

Cánh phóng viên theo ngành cứ ao ước, giá Nguyễn Thị Nhung nắm một môn thể thao đại chúng hơn, và giá như lãnh đạo của thể thao, của Hà Nội đánh giá đúng hơn những cống hiến, hy sinh và nỗ lực của Nhung đối với môn bắn súng, với thể thao. Có những lời hứa hẹn, đâu đó có cả những cuộc vinh danh, rồi quên. Phụ nữ lỡ theo nghiệp thể thao, vẻ như giỏi mấy, hy sinh mấy thì rồi cũng như một chớp sáng, qua rất mau đến độ có khi còn chưa ai kịp thấy, ngày nào đó bỗng không tránh khỏi tủi phận mình. Hôm nay ngày phụ nữ, sẽ có những bó hoa mới cho Nguyễn Thị Nhung. Hoa của những thành tích trong quá khứ có lẽ mãi rưng rưng trong hoài niệm.

MỚI - NÓNG