Có thể kể tới trường hợp của Phó chủ tịch HĐQT VPF Trần Mạnh Hùng. Ông Hùng vừa qua đã phải xin rút khỏi vị trí trên sau khi đoạn băng ghi âm cuộc cãi vã giữa ông và Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền bị tuồn ra ngoài. Vụ việc diễn ra trong hoà giải do Trưởng ban Kiểm tra VFF Nguyễn Nam Hùng chủ trì.
Ông Trần Mạnh Hùng trước đó đã được giới thiệu ra tranh cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF nhiệm kỳ 8. Giới thạo tin chắc rằng, sẽ có khả năng rất cao ông Hùng tiếp tục rút khỏi cuộc đua này, vì sự tự trọng cũng như việc đặt lợi ích chung của bóng đá Việt Nam lên trên.
Một trường hợp khác phải kể tới là Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ, cũng mới xin rút vì vấn đề cá nhân bị đánh giá gây ảnh hưởng tới bóng đá Việt Nam. Ông Gụ, 66 tuổi, vốn đang được xem là một ứng viên lớn cho chính vị trí hiện tại của ông ở VFF. Việc ông Nguyễn Xuân Gụ rút khỏi cuộc đua chắc chắn là tin vui đối với những người còn lại.
Có một điểm chung là trong cả hai trường hợp trên, người trong cuộc đều tin đây là một phần của cuộc đua khốc liệt ở đại hội 8 VFF, mà đích ngắm là những chiếc ghế đầy quyền lực ở VFF. Tỷ dụ như ông Trần Mạnh Hùng, trong cuộc hoà giải với Phó ban Dương Văn Hiền tất cả các thành viên tham gia đã thống nhất không cung cấp thông tin ra ngoài, chỉ mang tính chất nội bộ. Nhưng những gì diễn ra sau đó thì trái ngược hoàn toàn. Về sau này, người ta mới “té ngửa” rằng, mâu thuẫn giữa 2 quan chức làng bóng đá lại xuất phát từ những thông tin không chính xác, được tung ra một cách rất có chủ đích. Hiểu theo một nghĩa nào đó, cả ông Dương Văn Hiền cũng như Phó chủ tịch Trần Mạnh Hùng đều là nạn nhân của một âm mưu được lên từ trước và có hệ thống.
Chính vì vậy, không vô cớ khi mới đây, việc Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn được Tổng cục TDTT rút về cũng gây nhiều chú ý đối với giới bóng đá. Trong bối cảnh Chủ tịch Lê Hùng Dũng gặp vấn đề sức khoẻ, Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thì bận việc kinh doanh, ông Tuấn là người phải quán xuyến gần như toàn bộ công việc của VFF hơn 2 năm vừa qua. Nói như bầu Đức, thì không có ông Trần Quốc Tuấn, VFF đã gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lý do HAGL tiến cử ông Tuấn tiếp tục ngồi ghế Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, trong khi nhiều đội bóng khác tín nhiệm ra tranh cử Chủ tịch nhiệm kỳ 8.
Quyết định rút ông Trần Quốc Tuấn về được Tổng cục TDTT đưa ra dựa theo các quy định có từ trước. Tuy nhiên, vẫn có những luồng thông tin đơn lẻ xuyên tạc thành chuyện ông Tuấn vi phạm kỷ luật. Thực tế trong suốt giai đoạn vừa qua, Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đã trở thành đích ngắm bị tấn công rất mạnh, mà giới bóng đá thừa hiểu là từ đâu và vì mục đích gì.
Điều đáng tiếc là dư luận khó có đủ điều kiện để tường tận những câu chuyện sau hậu trường của những thông tin trên, nên vô tình hình ảnh bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. VFF có lúc đã phải lắc đầu ngao ngán vì những thông tin sai lệch được “đay đi, đay lại” một cách bất chấp, như chuyện bịa đặt vợ ông Trần Quốc Tuấn được đưa vào… quản bếp ăn VFF, trong khi thực tế vợ ông làm ở Bộ Tư pháp.
Trong bối cảnh cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt VFF đang bị đánh giá là “đông” nhưng không “tinh” như hiện nay, việc đấu đá bằng đòn “bẩn” của một số ứng viên càng khiến người trong cuộc phải lo lắng. Không phải ngẫu nhiên, ngành thể thao đang phải cân nhắc để VFF có thêm thời gian lựa chọn người cho vị trí Chủ tịch, trong bối cảnh ứng viên sáng nhất là ông Trần Quốc Tuấn đang bị “đánh” quá mạnh. Bởi dù là ai đứng sau một cuộc bôi bẩn bóng đá Việt Nam dai dẳng như đang diễn ra, thì người đó cũng khó xứng đáng trở thành “minh chủ” của cả nền bóng đá.