> VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc 2012: Sẽ lại là Hà Thanh?
> Thể thao Việt Nam sa sút - Nguồn lực xã hội ở đâu?
Bóng đá - Chuyện dài nhiều tập
Thất bại của ĐT U22 VN tại SEA Games cuối năm 2011 ở Indonesia tạo tiền đề cho hai sự thay đổi lớn trong đời sống bóng đá Việt Nam với hy vọng mang lại bộ mặt mới, sức sống mới cả ở giải quốc nội lẫn trên đấu trường quốc tế.
Đó là định hướng sử dụng HLV nội thay cho HLV ngoại sau gần 20 năm, vàự ra đời của công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VFP) do các ông bầu đứng ra thành lập để thay LĐBĐVN (VFF) tổ chức các giải chuyên nghiệp của Việt Nam.
Vậy nhưng cả hai sự thay đổi này đều không như kỳ vọng. Dù được dư luận ủng hộ, HLV Phan Thanh Hùng không thể làm nên cuộc cách mạng ở ĐTVN, nhận thất bại cay đắng với việc ĐTVN bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012.
Rõ ràng, khi chất lượng cầu thủ thấp thì dù có vào tay Sir Alex Ferguson hay Jose Mourinho cũng chẳng thể làm gì hơn.
Các ông bầu bắt tay cho ra đời công ty VPF được dư luận quan tâm. Song việc thành lập gấp gáp khiến công tác điều hành giải đấu trong năm đầu tiên của VPF chưa mang lại sự thay đổi đáng kể, ngoài chuyện VPF “đòi” lại thành công hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm mà VFF ký với AVG trước đó.
Tuy nhiên, sự kiện nổi cộm nhất của bóng đá Việt năm qua là cuộc tháo chạy hàng loạt của các ông bầu do cuộc khủng hoảng kinh tế, buộc mùa giải mới phải lùi ngày khai mạc để VFF, VPF cùng các CLB tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Bầu Kiên bị bắt, hai đội bóng của ông ở V.League, hạng Nhất bị giải tán; Navibank SG bán đại hạ giá rồi giải thể khi không tìm được khách mua; XT Sài Gòn từ một đại gia chi 100 tỷ/mùa phải đổi tên và cố lắm cũng chỉ gom góp được 50 tỷ kinh phí hoạt động; đội bóng phố biển Nha Trang sau một đêm đổi phiên hiệu dù từng được coi là “nơi bình yên trong giông bão”.
Cách làm bóng đá kiểu ăn xổi của VFF và các ông bầu trong phút chốc đã đẩy hàng trăm cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Asian Games 2019 - Thế cưỡi hổ
Cuối năm 2012, thể thao Việt Nam hân hoan ăn mừng sự kiện Việt Nam được Ủy ban Olympic châu Á trao quyền đăng cai Asian Games 2019.
Trong bối cảnh nhiều ứng viên từng xin đăng cai thay nhau rút khỏi cuộc đua, để lại Việt Nam và Indonesia tiếp tục cạnh tranh, việc Hà Nội “được” chọn gần như là điều chắc chắn.
Sau một năm về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội, chân sút số một Việt Nam Lê Công Vinh đối mặt với thất nghiệp sau khi bầu Kiên bị bắt và nhiều ông bầu bỏ bóng đá. |
Thể thao VN đã lên lưng hổ khá dễ, nhưng cưỡi hổ và cưỡi về đích thế nào mới là câu chuyện người dân Việt Nam muốn biết.
150 triệu USD - kinh phí tổ chức Asian Games 2019 - là con số khiêm tốn nếu so với số tiền khoảng 18 tỷ USD thành phố Quảng Châu, TQ đã phải bỏ ra cho kỳ Asian Games 2010.
Để có được con số “trong mơ” này, đề án tổ chức của Việt Nam đã gạt hẳn qua một bên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông.
Lý giải của những người trong cuộc là Asian Games 2019 “ăn theo” quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2020 với rất nhiều công trình hạ tầng như đường xá, hệ thống tàu điện ngầm, cầu cống, sân bay.
Có điều, đó mới chỉ là quy hoạch, và thực tế nhiều công trình trong quy hoạch không biết bao giờ mới khởi công, không biết bao giờ hoàn thành, khi đất nước đang khó khăn.
Xã hội hóa cũng là cách làm mà bản đề án đề cập trong muc tiêu tiết kiệm chi phí tổ chức. Làng VĐV sẽ được doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng dựa trên ưu đãi về chính sách của Hà Nội.
Nhưng khi bất động sản đang “hóa đá” với hàng triệu tỷ vốn nằm im trong các dự án dang dở, doanh nghiệp nào đủ tiềm lực tài chính để xây dựng làng VĐV phục vụ đại hội để sau đó bán lại cho dân?
Một khoản đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ khác dường như bị bỏ qua. Đó là kinh phí nhà nước phải bỏ ra để phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo một thế hệ VĐV đủ sức tranh tài tại Asian Games 2019 với mục tiêu giành từ 10-15 HCV.
Tại Olympic London vừa qua, TTVN đã lập kỷ lục có tới 18 VĐV giành vé chính thức dự Đại hội, lên đường với bao kỳ vọng nhưng rốt cuộc trở về tay trắng.
Những cánh én mùa xuân
Gạt sang một bên nỗi lo cho công tác tổ chức Asian Games, cho bóng đá nội, năm 2012 cũng là năm chứng kiến nhiều thành công vượt bậc của các VĐV, mang lại chút gam màu tươi sáng cho TTVN. Đáng kể nhất là nữ VĐV TDDC Phan Thị Hà Thanh, VĐV số một của TTVN trong năm 2011.
Sau nửa đầu năm “im hơi lặng tiếng”, Hà Thanh chói sáng trở lại ở những tháng cuối năm dù thi đấu không thành công tại Olympic London.
Tại giải vô địch châu Á ở Phúc Kiến, Trung Quốc, Hà Thanh đã xuất sắc giành HCV nhảy chống, tấm HCV châu lục đầu tiên của TDDC VN.
Đây là tấm HCV xác định tương đối chính xác thực lực của Hà Thanh khi phải đương đầu những đối thủ rất mạnh của châu lục và thế giới đến từ Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…
Thừa thắng xông lên, Hà Thanh tiếp tục giành chiến thắng ở Cúp thế giới tại CH Czech mặc dù gặp chấn thương và sau đó lại giành HCV Cúp Toyota Nhật Bản.
Khi kỳ thủ Lê Quang Liêm không duy trì được phong độ ấn tượng thì làng cờ Việt lại xuất hiện ngôi sao mới mang tên Đỗ Anh Khôi.
Cậu bé 10 tuổi có khuôn mặt khôi ngô này thu hút sự chú ý của làng cờ thế giới bằng việc đăng quang ngôi U10 giải vô địch các lứa tuổi thế giới với thành tích 11 trận toàn thắng, một kỷ lục chưa từng có của giải.