> Sử dụng doping, Lance Armstrong bị nhà tài trợ tẩy chay
> Michael Phelps vĩ đại nhất lịch sử Olympic
Olympic London, nơi ghi dấu những huyền thoại
Người ta chưa biết đến khi nào thì Olympic sẽ tái hiện sự thành công của London 2012, một sự kiện mà về quy mô, được chính phủ Anh xem như cú đấm chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia này.
Vì lẽ đó, trong bối cảnh châu Âu đang lâm vào cuộc khủng khoảng trầm trọng nợ công, người Anh vẫn chi hàng chục tỷ USD để tạo nên một kỳ đại hội lớn nhất từ trước đến nay.
Sự hoành tráng và màu sắc hiện đại tràn ngập London là điều hiển nhiên khi London 2012 cũng là niềm tự hào chung của châu Âu, tuy nhiên, chính các điểm nhấn về thể thao mới giúp cho London đặt cột mốc lớn lao trong lịch sử thể thao thế giới. Đó là chương trình kiểm soát doping kỹ lưỡng và nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay.
Đó là sân khấu để vinh danh các huyền thoại như “Đứa con của thần gió” Usain Bolt đã bảo vệ các tấm HCV và anh đã thành công rực rỡ. Ở đường chạy 100m, dù chưa phá được kỷ lục thế giới 9.58 giây do chính anh lập ra, tuy nhiên với thành tích 9.63 giây, Bolt cũng chính thức phá kỷ lục của Olympic do chính anh tạo được cách đây 4 năm (9.69 giây).
Sự xuất sắc của Bolt tiếp tục được thể hiện trên đường đua 200m và tiếp sức 4x100m sau đó giúp anh có thêm 2 tấm HCV. Bolt cũng là vận động viên đầu tiên đi vào lịch sử Olympic khi anh bảo vệ thành công cả 2 tấm HCV ở đường chạy 100m và 200m.
Hoặc như Michael Phelps, ở kỳ đại hội cuối cùng của sự nghiệp, kình ngư người Mỹ đi vào huyền thoại nhưng là người có số lượng HCV nhiều nhất lịch sử. Tại London 2012, anh giành 4 tấm HCV, là VĐV có thành tích tốt nhất tại đại hội, nâng số HCV đoạt được qua các kỳ lên tổng số 22 tấm HC các loại, bỏ xa kỷ lục cũ của huyền thoại ở môn thể dục dụng cụ Liên Xô trước đây Larisa Latynina.
Những thiên thần…
Thế giới bóng đá ở dưới chân Messi khi anh ghi bàn như hơi thở cho Barca, hoàn thành cú hat-trick Quả bóng vàng thế giới và chuẩn bị đi vào lịch sử khi là người duy nhất có 4 danh hiệu cao quý này.
Nhưng điều đó chưa quan trọng bằng cả thế giới túc cầu vẫn đang được chiêm ngưỡng một Messi vẫn còn sung mãn, ra sân chơi bóng với niềm vui bất tận và cống hiến vô vàn bàn thắng đẹp như tranh vẽ.
Năm 2012, một thiên thần khác cũng xuất hiện trên sân quần vợt đó là Andy Murray, người đã đoạt HCV London 2012 và vô địch US Open.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là Murray đã xuất hiện kịp lúc để giúp cho làng banh nỉ thế giới bớt đi sự nhàm chán khi Djokovic thắng hết giải này sang giải khác và Roger Federer dù đã quá 30 vẫn đang dọc ngang chinh phục các kỷ lục.
Quần vợt thế giới sau khi có Murray đã chia thành thế chân vạc và người ta chỉ còn chờ đợi Nadal trở lại sau chấn thương để chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử có 4 cây vợt có cùng đẳng cấp tuyệt đỉnh.
Andy Murray. |
Trên đường đua F1, mới 25 tuổi, tay đua người Đức Sebastian Vettel tái hiện hình ảnh của thiên thần Ayrton Senna với 3 lần vô địch thế giới liên tiếp và vẫn không có đối thủ trong tương lai gần. Vettel không phải người đầu tiên giành 3 chức vô địch liên tiếp trên đường đua F1, nhưng anh lại là người trẻ nhất lập được hat-trick.
Và ... sự gian dối
Lance Armstrong. |
Cái tên Lance Armstrong trong làng đua xe đạp gần như là bất tử. Anh được mọi người tôn kính, yêu mến không phải bởi chỉ là việc giành được 7 danh hiệu vô địch Tour de France (1998-2005) mà ở anh còn có một nghị lực phi thường.
Nếu như người bình thường giành 7 danh hiệu vô địch đã khá, với một người phải chiến đấu với căn bệnh ung thư như Armstrong thì chiến thắng của anh chỉ có thể nói qua hai từ phi thường.
Trong sự nghiệp, Armstrong từng trải qua 500 cuộc kiểm tra doping, trong đó Ủy ban phòng chống doping Mỹ USADA xét nghiệm không dưới 60 lần và UCI tiến hành kiểm tra khoảng 125 lần, nhưng chưa một lần có kết quả dương tính.
Nhưng rồi báo cáo dày 1.000 trang của Ủy ban Phòng chống doping Mỹ (USADA) cáo buộc Armstrong dùng dopping và cung cấp chất kích thích đã khiến sự thật được phơi bày.
Cuộc điều tra toàn diện với lời khai của 11 cựu đồng đội của Armstrong đã cho kết quả gây sốc: Ngôi sao người Mỹ bị cho là đã sử dụng Steroids và EPO để nâng cao khả năng thi đấu từ năm 1996 - sau khi thoát khỏi căn bệnh ung thư tinh hoàn. Sau khi Steroids và EPO bị kiểm soát gắt gao, Armstrong chuyển sang sử dụng thủ thuật truyền máu đã hòa chất kích thích.
USADA gọi Lance Armstrong là “kẻ dùng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong lịch sử thể thao”. 22-10-2012 có lẽ là “ngày tận thế” của làng đua xe đạp, khi Liên đoàn thế giới UCI đưa ra phán quyết cuối cùng: Lance bị cấm thi đấu suốt đời, bị tước toàn bộ 7 danh hiệu vô địch Tour de France, bị gạch tên khỏi Trung tâm huấn luyện Mỹ, bị các nhà tài trợ cắt hợp đồng và đương đầu với nhiều kiện cáo từ các nhà tài trợ, tổ chức trước đây.
Theo Tạ Khánh
Sài Gòn Giải Phóng