Thế hệ Bí thư 7X hiến kế: Phát triển kinh tế vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Các đại biểu tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội XIII vào sáng ngày 28/1 Ảnh: Như Ý
Các đại biểu tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội XIII vào sáng ngày 28/1 Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 28/1, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận về các dự thảo văn kiện. Tại phiên thảo luận, các bí thư tỉnh, thành ủy và Đảng ủy khối, Đảng ủy Trung ương Đoàn thuộc thế hệ 7X đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển kinh tế vùng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Với quan điểm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký (SN 1972) cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư đối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long. Đồng thời hợp tác công - tư đối với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái (hoàn thành trong năm 2021); thu hút doanh nghiệp đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 123.000 tỷ đồng. “Trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách”, ông Ký cho biết.

Từ thực tế kết quả đạt được trong 5 năm qua, ông Ký nhấn mạnh bài học trong việc đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả. “Hiến kế” các giải pháp phát triển trong thời gian tới, ông Ký đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, tổ chức bộ máy, biên chế... đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Nhất trí cao với nội dung về thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong văn kiện Đại hội XIII, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm (SN 1973) Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư cho rằng, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Song để đạt được mục tiêu này, phải tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế then chốt. Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư kiến nghị rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hoặc các quy định cụ thể để tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của DNNN với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích Nhà nước đặt hàng cho doanh nghiệp. Thực hiện việc giám sát và đánh giá doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của DNNN bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Đồng thời nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các DNNN.

Thúc đẩy hạ tầng liên kết vùng

Điểm lại những tiềm năng to lớn và lợi thế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi (SN 1973) cho biết, kinh tế của vùng đang đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước. “Hiện đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng như, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nền tảng thu hút đầu tư tư nhân, chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Trong khi đó, ĐBSCL là một trong những đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu”, ông Mãi nói.

Để ĐBSCL thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, ông Mãi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng. Đặc biệt, có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL, phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (SN 1970), đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia. Ông Duy cũng đề nghị đầu tư các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh (SN 1974) đề nghị cần tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ông Mạnh cho biết, Cần Thơ sẽ chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL. “Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi xin hứa với Đại hội, với Trung ương là sẽ quyết tâm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, gắn bó mật thiết với nhân dân, tạo nên sức mạnh hơn nữa, phát huy ý chí và tinh thần tự lực tự cường, vươn tới nắm bắt mọi cơ hội, khai thác đúng mức tiềm lực, tiềm năng và lợi thế”, ông Mạnh nói.

Đầu tư hạ tầng giao thông cho các tỉnh miền núi
Đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia.

Thế hệ Bí thư 7X hiến kế: Phát triển kinh tế vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ảnh 1



Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Sớm có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đề nghị sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được thuận lợi.

Thế hệ Bí thư 7X hiến kế: Phát triển kinh tế vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ảnh 2


Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Tinh thần trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại, mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp, chế tài của Đảng và pháp luật. Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh.

Thế hệ Bí thư 7X hiến kế: Phát triển kinh tế vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ảnh 3


Ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

MỚI - NÓNG