Trong cuộc đua giành view bằng thông tin và hình ảnh mới nhất, một số cơ quan báo chí đưa tin về vụ giải cứu đội bóng thiếu niên ở Chiang Rai, Thái Lan đã bị chính quyền chỉ trích vì những hành vi trong khi tác nghiệp của phóng viên.
Bangkok Post nói người ta đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà báo cũng như vấn đề đạo đức và tính chuyên nghiệp của một số kênh thông tin, cơ quan báo chí.
Cụ thể là vào hôm Chủ nhật vừa qua, trong ngày đầu tiên đưa người ra khỏi hang Tham Luang, một số phóng viên đã dùng máy bay không người lái nhằm quay phim và chụp ảnh hiện trường nhằm vượt lên các đối thủ thông tin. Tuy nhiên hoạt động của các thiết bị này đã uy hiếp sự an toàn của các chuyến trực thăng cứu hộ: sóng radio của thiết bị quay phim đã làm gián đoạn liên lạc của các máy bay lên thẳng đang làm nhiệm vụ. Người điều khiển thiết bị bay nói đã xin phép một sỹ quan phụ trách không lưu, nhưng Không quân Hoàng gia Thái Lan bác bỏ điều này và đang cho điều tra.
Vụ việc khác: một kênh truyền hình thậm chí còn chặn sóng radio để nghe trộm các đoạn hội thoại liên lạc giữa thành viên đội cứu hộ. Thậm chí kênh này còn phát luôn các đoạn hội thoại lên chương trình của họ.
Trung tướng cảnh sát Thái Lan Churat Pan-ngao, phó tư lệnh Cảnh sát vùng 5, cơ quan giám sát đội ngũ báo chí, đã yêu cầu cơ quan báo chí nọ dừng sử dụng các biện pháp thu thập thông tin kiểu như vậy.
Banyong Suwanpong, một thành viên của Ủy ban Đạo đức thuộc Hiệp hội Nhà báo Thái Lan và Hiệp hội nhà báo Phát thành – truyền hình Thái Lan nói truyền thông cần nêu cao các tiêu chuẩn đạo đức khi tác nghiệp. Ông nói nhà báo không chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan truyền thông họ đầu quân, mà còn trước xã hội Thái Lan. Nhà báo không nên chỉ chăm chăm cố gắng là người đưa tin đầu tiên.
“Cạnh tranh là điều bình thường. Tôi biết mọi người muốn tạo ra lợi nhuận. Nhưng anh không thể ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Phương pháp tác nghiệp phải đúng đắn, không được xâm phạm quyền của người khác”, Banyong Suwanpong nói.