Điều gì sẽ xảy ra với nước Anh sau khi đàm phán thỏa thuận Brexit thất bại? Đây là câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm ở thời điểm hiện tại. Tờ AFP đã dẫn ra 3 giả thiết có thể xảy ra với số phận của chính phủ Thủ tướng May, khi đồng hồ đang đếm ngược tới ngày 29 tháng 3 – thời điểm Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 46 năm.
Làm lại một thỏa thuận mới
Chính phủ Anh và các lãnh đạo EU đều cho rằng thỏa thuận hiện tại vẫn là sự thỏa hiệp tốt nhất có thể, và mặc dù mới phải nhận thất bại lịch sử, Thủ tướng May cho biết đây vẫn là lựa chọn duy nhất.
Các thành viên trong đảng Bảo thủ của bà cho rằng thỏa thuận trên vẫn khiến nước Anh xích lại quá gần với EU, trong khi các đảng đối lập chỉ trích thỏa thuận đã thất bại trong việc bảo toàn mối quan hệ kinh tế với tổ chức này.
Cả hai đảng đều phản đối việc mở cửa biên giới với Ireland, thứ được cho là điều kiện bản lề biểu hiện việc Anh không còn hoàn toàn tuân theo các quy tắc thương mại của EU.
Thủ tướng May được cho là đã tìm kiếm sự nhượng bộ bên lề từ các lãnh đạo của EU nhưng đều bị từ chối do những ý kiến của bà không đủ sức thuyết phục.
Vào thứ 3 vừa qua, Thủ tướng May đã cảnh báo sẽ không có “một thỏa thuận thay thế” nào được đề xuất từ phía EU, nhưng cho biết sẵn sàng thảo luận những ý tưởng của mình với các nghị sĩ “có thể thương lượng một cách thẳng thắn” và có thể “dùng họ để dò xét tình hình của Liên minh châu Âu.”
Trước đó, Tổng Chưởng lý Geoffrey Cox đã phát biểu trước Quốc hội rằng thỏa thuận Brexit mới "phải được soạn thảo lại với những hình thức và nội dung giống với thỏa thuận cũ".
Không gì có thể ngăn cản việc chính phủ Anh sẽ đệ trình thỏa thuận tương tự hết lần này đến lần khác tới Hạ viện cho đến khi các nghị sĩ hoặc phải chấp nhận nó, hoặc phải tìm cách hất cẳng May, người phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào thứ Tư tới do Công Đảng đối lập kêu gọi.
Không đạt được thỏa thuận nào
Đây có thể coi là viễn cảnh đen tối nhất, có nguy cơ kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên toàn nước Anh và làm suy giảm đáng kể đà tăng trưởng của Liên minh châu Âu.
Viễn cảnh này có thể sẽ an bài nếu Quốc hội Anh tiếp tục bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit mà không có một giải pháp nào khác được đưa ra từ giờ cho đến ngày 29 tháng 3.
Thỏa thuận của Thủ tướng May muốn giữ cho các quy tắc thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới của nó gần như không thay đổi trong quá trình chuyển giao từ giờ cho đến hết năm 2020.
Một sự thay đổi đột ngột sang những tiêu chuẩn khác sẽ tác động lên hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, và có thể làm tăng giá thành các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại Anh, cũng như làm gián đoạn các hình thức logistics như hệ thống các cảng biển.
Dù các chỉ đạo về việc sẵn sàng cho một tiến trình Brexit không thỏa thuận đã được chính phủ Anh thể hiện rõ ràng trong những tuần qua, song ngày càng có nhiều đồn đoán cho rằng London và Brussels sẽ tìm cách trì hoàn Brexit để tránh cho trường hợp trên xảy ra.
Mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2
Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác kể từ khi chiến dịch rời khỏi EU dành thắng lợi với tỷ lệ 52-48% trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào năm 2016, và những đòi hỏi trên đang ngày càng tăng trong những tháng gần đây.
Hiện tại vẫn chưa có luật nào ngăn cản nước Anh thực hiện mở vòng bỏ phiếu thêm một lần nữa, nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi liêu điều đó có thật sự dân chủ hay không.
Thậm chí, nó còn có nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc hơn, khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Anh vẫn đang rất mâu thuẫn về vấn đề đi hay ở lại EU. Thủ tướng May đã cảnh báo việc mở thêm một cuộc trưng cầu dân ý sẽ “gây nên những thiệt hại không thể hàn gắn tới tính toàn vẹn đối với nền chính trị của chúng ta.”
Vì thế, giải pháp đầu tiên là cần phải kéo dài thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, dù giới chức ngoại giao EU cảnh báo điều này sẽ chỉ kéo dài nhiều nhất là vài tháng.