Trung-Ấn cạnh tranh ảnh hưởng tại Afghanistan

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: Hindustan Times.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: Hindustan Times.
TP - Việc Trung Quốc cho phép Afghanistan tham gia Hành lang kinh tế “Trung Quốc-Pakistan” như một “gáo nước lạnh” dội vào những nỗ lực gây ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan suốt nhiều năm qua.

Đối với chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Afghanistan luôn được coi là một hướng trọng điểm trong bố cục ngoại giao của chính quyền New Deli. Là một quốc gia viện trợ chủ yếu cho Afghanistan và là nước lớn khu vực Nam Á, Ấn Độ có vai trò ảnh hưởng tương đối chủ động đối với cục diện chính trị tại Afghanistan.

Ấn Độ trồi sụt

Trong điều kiện sự can dự của Mỹ tại Afghanistan vẫn còn hiện hữu, chính phủ của Thủ tướng Modi đã xác lập hiệp định hợp tác cả gói với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sau khi ông này có chuyến thăm tới Ấn Độ vào tháng 9/2016. Ngoài các biện pháp về chính trị và kinh tế, Ấn Độ còn bắt đầu triển khai một loạt hành động hợp tác song phương, bao gồm ổn định lương thực và cung ứng thuốc men, phối hợp chống khủng bố với Afghanistan. Đặc biệt, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ấn Độ đã lợi dụng thế lực ngoại giao của Mỹ để triển khai hành động ngoại giao tích cực đối với Afghanistan. Ấn Độ đã viện trợ cho Afghanistan tổng cộng 2 tỷ USD.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, một loạt chính sách của Ấn Độ đối với Afghanistan trên mặt chính trị, kinh tế và quân sự là nhằm mở rộng ảnh hưởng của quốc gia Nam Á này tại Afghanistan, kiềm chế Afghanistan, thu về các nguồn năng lượng và phục vụ lợi ích quốc gia Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, thực hiện một loạt chính sách về Afghanistan, Ấn Độ mất đi nhiều sự trợ giúp của Mỹ trong vấn đề Afghanistan. Vì vậy, vai trò ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan dần giảm xuống. Đặc biệt là, các khoản viện trợ quân sự của Ấn Độ cho Afghanistan suy giảm trông thấy.

Theo tiết lộ của tờ The Hindu (Ấn Độ) và tuần báo Jane’s Defence Weekly (Anh), Ấn Độ đang chuẩn bị chuyển giao một loạt máy bay trực thăng Mi-35 cho Afghanistan. Tuy nhiên, lô hàng quân sự này chủ yếu toàn là hàng cũ tân trang được Ấn Độ mua từ Serbia, Ukraine. Chính điều này đã làm suy yếu niềm tin của Afghanistan vào sự viện trợ quân sự từ Ấn Độ.

Trung Quốc vào cuộc

Trước việc Ấn Độ mất dần ảnh hưởng tại Afghanistan, chính quyền Bắc Kinh lập tức nhảy vào cuộc. Điều này được thể hiện rõ qua các động thái của lãnh đạo cấp cao Afghanistan. Khi biết được Ấn Độ không có khả năng viện trợ cho Afghanistan những loại vũ khí tiên tiến, chính quyền Kabul lập tức chuyển hướng sang Bắc Kinh. Ngay từ năm 2014, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tới Bắc Kinh tìm kiếm viện trợ và thu được đơn hàng trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Đến năm 2016, phía Trung Quốc tiếp tục bắt tay với một quan chức có thực quyền trong chính phủ Afghanistan. Đó là ông Abdullah Abdullah - người đã được Tổng thống Afghanistan bổ nhiệm làm “giám đốc điều hành” đất nước, một chức vụ được xem tương đương với thủ tướng, bằng cách ký tuyên bố chung khi ông này thăm Bắc Kinh.

Ngoài ra, khi ảnh hưởng của Mỹ vẫn còn, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cho mình chỗ đứng trong vấn đề Afghanistan trên các mặt trận ngoại giao nhân dân và ngoại giao chính trị. Chính quyền Bắc Kinh không chỉ tích cực tham gia các dự án tái thiết Afghanistan do Liên Hợp Quốc chủ trì, mà còn tích cực tìm kiếm cơ chế đa phương nhóm nhỏ trong vấn đề Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng, những động thái này của Trung Quốc đối với Afghanistan giúp cho chính quyền Bắc Kinh thuận tiện hơn trong việc dần thay thế ảnh hưởng của Ấn Độ tại quốc gia Nam Á này.

Mong muốn hất cẳng

Ngày 26/12, tại thủ đô Bắc Kinh, ngoại trưởng 3 nước Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan tiến hành Đối thoại lần thứ nhất về việc mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Afghanistan đang rất cần phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân, nên Trung Quốc và Pakistan sẵn sàng hợp tác với Afghanistan trên cơ sở cùng thắng, dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, sử dụng những biện pháp thích hợp để mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sang Afghanistan.

Điều này được ví như “gáo nước lạnh” dội vào những nỗ lực gây ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan trong suốt thời gian qua. Động thái này của Trung Quốc chỉ diễn ra khoảng 3 tháng sau khi Ấn Độ công bố các khoản viện trợ quân sự cho Afghanistan trong cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 21/9 bên lề hội nghị Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, động thái mới của Bắc Kinh, khiến cho Ấn Độ, quốc gia đã nếm trải nhiều vị đắng cay để tìm kiếm vai trò ảnh hưởng và sự can dự trong vấn đề Afghanistan gần 2 năm qua, cảm thấy như “ngồi trên đống lửa”.

Đánh bom tự sát ở Kabul, 41 người chết

Hôm qua, một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến ít nhất 41 người chết, 84 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, Bộ Y tế Afghanistan thông báo. Kẻ đánh bom nhằm vào Trung tâm văn hóa Tabayan nhưng Đài Tiếng nói Afghanistan cũng bị vạ lây. Phóng viên Sayed Abbas Hussaini của Đài Tiếng nói Afghanistan nói với Reuters rằng, một đồng nghiệp thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) nói rằng chúng đứng đằng sau vụ tấn công. Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, sau vụ nổ bom ở trung tâm dành cho người Hồi giáo dòng Shia, còn xảy ra ít nhất 2 vụ nổ nữa. Sinh viên Mohammad Hasan Rezayee nói với Tolo News: “Chúng tôi đang ở trong phòng chính của trung tâm, ở hàng ghế thứ hai thì vụ nổ xảy ra ngay phía sau. Sau tiếng nổ là lửa khói tràn khắp tòa nhà, mọi người kêu cứu”.

Thái An

MỚI - NÓNG