Theo báo cáo, một thực tế ít người biết là trong năm qua, Bắc Kinh đã hạ thuế đối với hàng hóa đến từ các nước cạnh tranh với Mỹ.
Theo báo cáo, mức thuế bình quân của Trung Quốc lên hàng Mỹ tăng từ 8% vào đầu năm 2018 lên 20,7% trong tháng này. Mức thuế bình quân của Trung Quốc áp lên hàng hóa của tất cả các nước khác giảm từ 8% vào đầu năm 2018 xuống 6,7% vào cuối năm ngoái, và được duy trì cho đến nay.
Việc Trung Quốc hạ thuế lên hàng của các nước ngoài Mỹ ít được báo chí chú ý, vì quan tâm dồn vào những việc mà Bắc Kinh và Washington làm với nhau.
Nhưng trên thực tế, bằng cách hạ thuế với hàng từ các đối tác thương mại khác, Bắc Kinh đã khiến các công ty Mỹ rơi vào thế bất lợi đáng kể, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần sử dụng thuế như một cách để đàm phán với các nước khác, báo cáo viết.
“Trung Quốc đã bắt đầu trải thảm đỏ cho phần còn lại của thế giới. Tất cả những nước khác đều được hưởng quyền tiếp cận lớn hơn đối với thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc”, theo báo cáo đưa ra ngày 12/6.
Theo các nhà nghiên cứu soạn thảo báo cáo này, những khiêu khích của ông Trump và đáp trả của Trung Quốc khiến các công ty Mỹ và lao động của họ rơi vào tình thế bất lợi đáng kể về chi phí so với các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp ở các nước thứ ba.
Báo cáo cho rằng một dấu hiệu quan trọng khác cho thấy Trung Quốc đang làm cách này là tình trạng “người Mỹ đang hứng hậu quả nhiều hơn mức độ Tổng thống Trump nghĩ”.
Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tăng thuế lên hàng của nhau từ hơn 1 năm trước, và gần đây mở rộng khỏi lĩnh vực thương mại ra các lĩnh vực khác như công nghệ và an ninh quốc gia. Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến giới đầu tư lo ngại và đe dọa làm chệch hướng kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo, hạ thuế với sản phẩm từ các nước khác cũng là cách giúp Trung Quốc hạn chế thiệt hại đối với nền kinh tế của họ.
Tăng thuế lên hàng Mỹ khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc phải chịu thêm chi phí khi nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng có có lựa chọn khác là không làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ nữa khi có thể nhập sản phẩm tương tự từ các nước khác với giá thấp hơn.
“Tăng thuế gây tốn kém cho nước áp dụng nó, và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Lo ngại về chi phí gia tăng giải thích vì sao Trung Quốc kìm chế trong trả đũa Mỹ và quyết định của họ khi giảm thuế đối với phần còn lại của thế giới”, báo cáo viết.
Báo cáo cho rằng cách làm của Trung Quốc khiến các nhà xuất khẩu Mỹ rơi vào tình thế bất lợi nhiều hơn trước các đối thủ từ Canada, Nhật Bản, châu Âu và những nước khác nữa.
Kết quả là lượng hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm. Dù tổng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong những tháng gần đây giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng lượng hàng Mỹ được Trung Quốc nhập giảm với tốc độ lớn hơn nhiều.
Một ví dụ là lượng tôm hùm Mỹ xuất sang Trung Quốc giảm 70% sau khi Bắc Kinh tăng thuế lên mức 25% đối với mặt hàng này trong năm 2018. Nhưng tôm hùm Canada xuất sang Trung Quốc trong cùng giai đoạn đã tăng gần gấp đôi, nhờ được Trung Quốc giảm thuế.
Đòn giáng mạnh
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm ngày càng nhiều công ty Mỹ kêu gọi chính quyền Trump giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc. Họ nói rằng thuế tăng gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Hôm qua, ông Trump cho biết ông sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tuần tới. Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi hơn 600 công ty Mỹ cùng gửi thư lên Tổng thống để bày tỏ quan ngại về chiến tranh thương mại leo thang.
Và chiến tranh thương mại không phải điều duy nhất gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ. Những chính sách khác của ông Trump như rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đẩy các nhà xuất khẩu thịt bò Mỹ vào thế bất lợi hơn đối thủ cạnh tranh từ Nhật Bản, theo báo cáo.
“Đây chỉ là một lý do vì sao các cuộc chiến tranh thương mại đều không dễ thắng”, các nhà nghiên cứu kết luận.