Các cố vấn chính phủ Trung Quốc nói rằng nước này lường trước những căng thẳng với Mỹ sẽ gia tăng sau khi quốc hội thông qua nghị quyết về việc ban hành luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong. Sự đáp trả của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ, các cố vấn nói.
“Những mối đe doạ (từ Mỹ) là điều chúng tôi đã dự đoán. Nhưng thật vô ích khi họ ngăn cản luật được thông qua. Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất”, ông Ruan Zongze, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Những cãi vã giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề Hong Kong hôm nay đã được đưa lên Liên Hợp quốc sau khi Washington đề xuất họp khẩn về thành phố này nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp quốc nói rằng đề nghị này là “không có cơ sở” và luật an minh mới đơn thuần là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Nghị quyết về việc soạn thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong được thông qua chiều nay. Bước đi này vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 cho biết ông đã báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không còn giữ được quyền tự trị cao nữa, “dựa trên tình hình hình thực tế”.
Quyết định của Mỹ đặt ra những câu hỏi về khả năng Hong Kong có thể không còn được hưởng đặc quyền thương mại của Mỹ nữa. Trở lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói rằng Nhà Trắng sẽ quyết định cách đáp trả, trong đó có tính đến những biện pháp như trừng phạt các quan chức liên quan hay huỷ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.
Ngoại trưởng các nước Anh, Úc và Canada đã ra tuyên bố chung thể hiện quan ngại về bước đi của Hong Kong, còn Liên minh châu Âu kêu gọi cần giữ gìn quyền tự trị mức độ cao cho đặc khu.
Tuy nhiên, ông Ruan và nhà nghiên cứu Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, đều cho rằng khó có khả năng Mỹ huỷ cơ chế thương mại đặc biệt với Hong Kong. “Tôi nghĩ chính phủ Mỹ khá lưỡng lự về mức độ phản ứng với dự luật mới của Trung Quốc. Khó có khả năng họ sẽ thu hồi địa vị kinh tế đặc biệt của Hong Kong vì việc đó cũng làm hại các lợi ích của Mỹ ở Hong Kong”, ông Shi nói.
Còn ông Ruan cho rằng “sự phản đối mạnh mẽ từ phương Tây không đại diện cho sự đồng thuận quốc tế” và cũng không ngăn cản dự luật được thông qua. Nhưng ông Shi cho rằng đó sẽ là quá trình dài, có thể kéo dài đến 5, thậm chí 10 năm.
“Sau quyết định của quốc hội Trung Quốc sẽ là quá trình triển khai ở Hong Kong. Mỹ sẽ hành động tương ứng mỗi bước đi, và sẽ gây căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ”, ông Shi nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng các lợi ích và nền kinh tế của cả hai nước, vốn đã chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch COVID-19, sẽ bị tổn thương nghiêm trọng trong quá trình này.
Chưa có phát biểu chính thức nào từ Bắc Kinh về tuyên bố của ông Pompeo, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó nói rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Mỹ trừng phạt Trung Quốc về việc này.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng việc thu hồi địa vị thương mại đặc biệt là quân bài sẵn có duy nhất của ông Trump, nhưng nó sẽ gây hại cho các lợi ích của Mỹ khi có đến 85.000 công dân Mỹ ở Hong Kong.
Viết trên Weibo, ông Hồ nói rằng Hong Kong vẫn sẽ giữ được vị trí trung tâm tài chính toàn cầu nhờ quan hệ với đại lục, chứ không phải quan điểm của Mỹ.