Dịp Tết âm lịch vừa qua là quãng thời gian rất buồn đối với các "hổ lớn" đang bị giam tại Tần Thành, nhà tù bí mật và nghiêm ngặt bậc nhất Trung Quốc, nơi giam giữ nhiều quan chức tham nhũng cấp cao của nước này như Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai, theo SCMP.
Thông thường, các tù nhân VIP trên 60 tuổi ở Tần Thành sẽ được phép hưởng bữa cơm mừng năm mới âm lịch cùng một số người thân, nhưng một nguồn tin thân cận với nhà tù cho biết Tết năm nay, đặc ân này đã bị hủy đối với tất cả phạm nhân.
Theo nguồn tin, Tần Thành đang trở nên chật chội với quá nhiều tù nhân được chuyển tới trong vài năm qua – kết quả của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động – khiến nhà tù không còn chỗ để tổ chức cho phạm nhân gặp mặt gia đình trong ngày lễ trọng đại nhất năm. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đến nay đã truy tố, kết án hơn 1,3 triệu quan chức, từ những "con hổ" ở cấp trung ương và tỉnh thành cho tới những "con ruồi" ở cấp phường xã.
"Nhà tù từng cho phép phạm nhân cao tuổi có bữa cơm đoàn viên với gia đình trong khuôn viên của trại giam, nơi họ được ăn lẩu, bánh bao hay bất cứ món gì họ thích. Nhưng năm nay, không ai được hưởng quyền lợi này nữa", nguồn tin nói. Theo quy định mới do nhà tù Tần Thành đưa ra, thân nhân sẽ không được phép đến thăm phạm nhân trong hai tuần trước và sau ngày mùng một Tết.
Nằm ở khu ngoại ô phía bắc Bắc Kinh, dưới chân dãy Yên Sơn thuộc quận Xương Bình, cách trung tâm thủ đô chừng một giờ lái xe, nhà tù Tần Thành được mệnh danh là "chuồng hổ" chuyên giam giữ các quan chức tham nhũng cấp thứ trưởng trở lên của Trung Quốc.
Nhìn từ bên ngoài, Tần Thành giống như một khu nghỉ dưỡng bí mật giữa dãy núi mờ sương, với những chiếc cổng lớn màu đỏ cùng các dãy tường bao thấp nằm giữa những hàng cây bạch dương. Ngoài cổng không có biển báo, trên tường cũng không có bất cứ hàng rào dây thép gai nào.
Nhà tù Tần Thành được Liên Xô giúp Trung Quốc xây dựng vào năm 1958 để giam giữ các tội phạm chiến tranh thuộc Quốc Dân đảng. Đến thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nơi đây trở thành nơi cầm tù các quan chức, đảng viên bị coi là "phần tử phản cách mạng" với số lượng nhiều đến mức quá tải, dù nhà tù đã được mở rộng và cải tạo vào đầu thập niên 1960.
Đến thập niên 1970, đây là nơi giam giữ "Bè lũ bốn tên" do Giang Thanh, vợ của cố chủ tịch Mao Trạch Đông, cầm đầu. Từ thập niên 1990 tới nay, Tần Thành trở thành nhà tù của các quan chức cấp cao bị kết tội tham nhũng, trong đó có cựu phó chủ tịch quốc hội Thành Khắc Kiệt (Cheng Kejie), cựu tỉnh trưởng Vân Nam Lý Gia Đình (Li Jiating), cựu bí thư tỉnh ủy Quý Châu Lưu Phương Nhân (Liu Fangren)…
Theo một số người từng bị giam ở Tần Thành, nhà tù này có một khu VIP chuyên giam giữ các quan chức cấp cao. Đó là khu nhà hình chữ U, quay mặt về hướng bắc, được cải tạo để làm nơi thi hành án của các tù nhân tầm cỡ ủy viên Bộ Chính trị trở lên. "10 buồng giam ở mỗi cánh thuộc tòa nhà được biến thành 5 buồng có diện tích lớn hơn. Nếu một buồng trong số đó giam một ủy viên Bộ Chính trị, 4 buồng còn lại sẽ được bỏ trống", một cựu tù nhân nhớ lại.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi kể từ khi chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" với quy mô chưa từng có của ông Tập được phát động. Số quan chức cấp cao bị điều tra, truy tố và kết án nhiều đến mức "chuồng hổ" Tần Thành đã trở nên chật chội.
Trong vài năm qua, gần 100 "con hổ" đã bị kết án, trong đó có Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) và cựu phó chủ tịch chính hiệp Tô Vinh (Su Rong), khiến nhà tù Tần Thành phải hoạt động gần như hết công suất, dù được cho là đã được mở rộng vào năm 2012, vài tháng trước khi ông Tập phát động chiến dịch chống tham nhũng.
Người thân của một cựu quan chức bị giam ở Tần Thành từ cuối năm 2013 cho biết nhà tù này đang ngày càng trở nên chật chội. "Ông ấy nói rằng khu của ông ấy có chưa đầy 6 phạm nhân khi mới đến. Nhưng giờ đây, khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh, đã có hơn 20 người bị giam tại khu này".
Tù nhân ở Tần Thành thường bị biệt giam, nhưng thỉnh thoảng vẫn được tiếp xúc với nhau qua các hoạt động nhóm như làm vườn, hoặc trò chuyện với nhau khi được ra sân tập thể dục một hoặc hai giờ mỗi ngày.
"Bạc Hy Lai tỏ ra vẫn có tinh thần tốt và tham gia nhiều hoạt động", nguồn tin cho biết. "Nhưng Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch thì không xuất hiện trong bất cứ hoạt động nhóm nào. Quách dường như bị bệnh không thể ra ngoài, còn Lệnh có thể bị trầm cảm. Ông ta là tù nhân duy nhất ở đây chưa có bất cứ người thân, bạn bè nào tới thăm suốt nhiều năm qua".
Nguồn tin cho biết cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị kết án tù vì tội tham nhũng, được sinh hoạt trong một khoảnh sân riêng, tách biệt với các tù nhân khác.
Tần Thành là nhà tù duy nhất ở Trung Quốc không thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp mà do Bộ Công an điều hành. Khi mới mở cửa, đây được coi là "nhà tù hạng nhất" với cơ sở vật chất tiện nghi cho tù nhân, như nhà vệ sinh khép kín, phòng khám, phòng tập thể dục. Nhưng qua nhiều lần cải tạo và mở rộng để đáp ứng nhu cầu giam giữ ngày càng tăng, những tiện nghi như vậy có thể đã biến mất.
Một cựu tù nhân cho biết mọi hoạt động của các phạm nhân ở Tần Thành luôn được giám sát chặt chẽ. Mỗi khi tù nhân tập thể dục xong, lính gác sẽ quét sạch sân nhà tù để đảm bảo rằng không một ai có thể để lại thông điệp cho phạm nhân khác. Với những điều kiện như vậy, các "hổ lớn" bị lật đổ trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có thể chỉ sống cách nhau vài mét trong Tần Thành, nhưng giữa họ là cả một thế giới cách biệt.