Những nhân tố quyết định tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Những nhân tố quyết định tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều
TPO - Theo thông báo của các bên liên quan, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới. Tuy nhiên, cuộc gặp có được diễn ra hay không, hiện vẫn là câu hỏi lớn.

Cho tới hiện tại tất cả các cuộc thăm viếng, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp vẫn được phía Triều Tiên giữ kín. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy chắc chắn sẽ có cuộc gặp mặt lịch sử này.

Do vậy, dư luận có thể nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có được thực hiện hay không, nhờ vào những kinh nghiệm lịch sử, cũng như những gì sắp diễn ra tại Mỹ và Triều Tiên.

Cuộc diễn tập chung Mỹ-Hàn

Quy mô, thời gian và khoa mục của cuộc tập trận, cùng với mức độ phản ứng của Triều Tiên đối với cuộc tập trận chung "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc là thước đo để đánh giá khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có được thực hiện hay không.

Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn sẽ bắt đầu được khởi động lại vào ngày 1/4 tới sau một thời gian trì hoãn do liên quan tới Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo nhiều thông tin được tiết lộ, quy mô của cuộc tập trận chung năm nay sẽ giảm đi nhiều so với các năm trước. Nhiều khả năng tàu sân bay hạt nhân và các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ sẽ không tham gia cuộc tập trận. Mặt khác, thời gian của cuộc tập trận cũng được rút ngắn xuống còn khoảng 1 tháng so với dự kiến gần 2 tháng trước đó.

Trong khi đó, Triều Tiên luôn thể hiện sự phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bằng các hành động phóng tên lửa.

Trước đó, ông Chung Eui-yong, Chủ nhiệm Văn phòng An ninh Quốc gia, đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau khi thăm Triều Tiên cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không tiến hành hành động đáp trả đối với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

Chính vì vậy, các chuyên gia về bán đảo Triều Tiên cho đánh giá, nếu Triều Tiên thực sự ứng xử với cuộc tập trận này bằng thái độ bình tĩnh đúng như lời Đặc phái viên Chung Eui-yong xác định, điều này là dấu hiệu cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được diễn ra.

Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên

Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên theo thông lệ mỗi năm tiến hành họp 1 lần. Hội nghị có chức năng và quyền hạn trong việc thực hiện các sửa đổi liên quan tới Hiến pháp.

Vào năm 2012, chính tại Hội nghị này, Triều Tiên đã đưa chính sách phát triển vũ khí hạt nhân vào trong Hiến pháp sửa đổi.

Do vậy, Hội nghị nhân dân tối cao năm nay, dự kiến được tổ chức vào ngày 11/4 có ý nghĩa quan trọng đối với các quyết định mang tính lịch sử của Triều Tiên.

Việc Hội nghị có tiếp tục sửa đổi Hiến pháp và có bàn về chiến lược phát triển hạt nhân, cũng như việc cải thiện quan hệ với Mỹ hay không, là điều thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới.

Nếu Triều Tiên tiến hành sửa đổi Hiến pháp và đưa vấn đề ngoại giao với Mỹ, cũng như chính sách phát triển vũ khí hạt nhân vào Hiến pháp sửa đổi, đó là động thái cho thấy, nước này đang chuẩn bị các bước cần thiết cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, cũng như việc cải thiện quan hệ với Mỹ sau này.

Quay trở lại Hiệp ước NPT?

Vào tháng 1/2003, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã không chấp nhận hành động này của Triều Tiên, và vẫn bảo lưu quyền hạn được phép kiểm tra giám sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

Mặc dù tới nay quyền bảo lưu giám sát các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên khó phát huy tác dụng. Đặc biệt là sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 4/2009, chính quyền Bình Nhưỡng đã cự tuyệt hoàn toàn sự giám sát của Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngoài ra, Triều Tiên còn tiến hành trục xuất một loạt các chuyên gia Mỹ rời khỏi nước này.

Vì vậy, các chuyên gia về Bán đảo Triều Tiên cho rằng, việc Triều Tiên có trở lại Hiệp ước NPT hay không, điều này có tác động ảnh hưởng to lớn tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Triều Tiên có phái đặc phái viên tới Mỹ hay không?

Việc Triều Tiên có phái đặc phái viên tới Mỹ hay không, cũng được cho là chỉ dấu quan trọng để biết được cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có được thực hiện hay không.

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, chính quyền Bình Nhưỡng đã từng lên kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng thưởng với Mỹ vào tháng 10 năm 2000. Đặc biệt, trong thời gian đó, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Kim Dae-Jung, trước đó vào tháng 6 năm 2000 cũng đã khởi động cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên trong lịch sử.

Sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã phái thuộc hạ thân tín nhất của mình là Jo Myong Rok, phó nguyên soái quân đội Nhân dân Triều Tiên, làm đặc phái viên tiến hành chuyến thăm tới Mỹ.

Mặc dù, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều năm đó cuối cùng đã không diễn ra, tuy nhiên, việc đặc phái viên Triều Tiên có thực hiện chuyến thăm tới Washington hay không, được dư luận thống nhất cho rằng, đó là chỉ dấu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jing-un có thực sự muốn tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không.

Mặt khác, đây được cho là hành động có tính biểu tượng thể hiện sự thiện chí sẵn sàng đàm phán của Triều Tiên.

Trước đó, vào ngày 15/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã tới thăm Thụy Điển trong thời gian 2 ngày. Dư luận quốc tế cho rằng, chuyến thăm này nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Mỹ-Triều, có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới và Thụy Điển có thể được lựa chọn là nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử này.

Hiện tại, chính phủ Mỹ mong muốn Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho có thể thực hiện chuyến thăm tới Washington với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.