Mỹ lại muốn cấm vận trừng phạt Nga

Mỹ muốn cấm vận trừng phạt Nga, nhưng Moscow có vũ khí rất hữu hiệu là khí gas. Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ðức Angela Merkel. Ðức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí gas từ Nga. Ảnh: Sputnik
Mỹ muốn cấm vận trừng phạt Nga, nhưng Moscow có vũ khí rất hữu hiệu là khí gas. Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ðức Angela Merkel. Ðức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí gas từ Nga. Ảnh: Sputnik
TP - Các nghị sỹ Mỹ tại Thượng viện vừa đệ trình luật nhằm áp dụng các lệnh cấm vận mới đối với Nga, tăng cường các biện pháp chống tội phạm mạng, theo Reuters. Ðây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm trừng phạt Moscow về chuyện Nga, như Mỹ cáo buộc, can thiệp bầu cử Mỹ và các hoạt động ở Syria, Ukraine.

Dự thảo luật mới bao gồm cả việc hạn chế giao dịch nợ chính phủ của Nga, các dự án năng lượng và dầu mỏ, uranium nhập khẩu, cấm vận mới nhằm vào một số nhân vật chính trị và tài phiệt Nga.

Lệnh cấm vận “từ địa ngục”

Dự thảo cũng thể hiện việc hỗ trợ NATO, đòi hỏi ít nhất phải có 2/3 số nghị sỹ đồng ý trước bất cứ quyết định nào liên quan việc rời bỏ NATO. “Ba lệnh cấm vận đang áp dụng hiện tại vẫn không thể ngăn chặn Nga can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ, năm 2018”, thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa  Lindsey Graham nói. Hồi đầu tuần, ông Graham nói với các phóng viên ông đã có kế hoạch “lệnh cấm vận từ địa ngục” trừng phạt Nga.

Quốc hội Mỹ năm ngoái thông qua một lệnh cấm vận đối với Nga nhưng một số nghị sỹ Mỹ cho rằng, Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng thi hành luật này, chỉ ký ban hành khi quốc hội thông qua với số phiếu thuận áp đảo. Dự luật lần này được nói là nhằm thắt chặt thực hiện những biện pháp đã đề ra năm ngoái. Thượng nghị sỹ Dân chủ Bob Menendez nói chính quyền Mỹ đã không thực thi đầy đủ các lệnh cấm vận cũ.

Luật mới cần phải được thông qua ở cả hai viện của Quốc hội Mỹ trước khi chuyển tới Tổng thống Trump ký ban hành. Cấm các giao dịch liên quan nợ chính phủ của Nga có thể được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất trong tay Mỹ bởi nó sẽ làm đóng băng các hoạt động tín dụng của chính phủ Nga trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng Nga là quốc gia có mức nợ công thuộc hàng thấp nhất thế giới và dự trữ ngoại hối của Moscow lên tới mức 500 tỷ USD nhờ doanh thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu thô và khí gas. Hơn nữa, Nga đã quen với việc “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn khó khăn. Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Nga đã cắt giảm đáng kể việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ và sự phụ thuộc vào thị trường tài chính quốc tế đã giảm mạnh.

Châu Âu “không thể thiếu Nga”

Và Mỹ không thể phủ nhận một thực tế phũ phàng là châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí gas từ Nga. Các nước đồng minh trong NATO cũng đã bày tỏ sự bất đồng với Mỹ trong các lệnh cấm vận chống Nga. Gần đây nhất, Tổng thống Trump còn lên án Ðức, nước có vai trò chủ chốt trong Liên minh châu Âu, là “quá phụ thuộc vào Nga”.

Trong khi các nghị sỹ Mỹ bàn cách tăng trừng phạt đối với Moscow, Nga vẫn ngày ngày gia tăng lượng khí gas cung cấp cho châu Âu. Kênh truyền hình Russia Today  đưa tin, trong tháng 7, Gazprom, nhà xuất khẩu khí gas tự nhiên lớn nhất Nga, tăng sản lượng xuất vào châu Âu thêm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.  Cụ thể là xuất vào Ðức tăng 12,3%, Áo tăng tới 48,3%, Croatia tăng 40,1% và cao nhất là Hà Lan, 53,8%. Xuất khẩu khí gas từ Nga tới Ðan Mạch, Ba Lan, Pháp đều tăng trong 7 tháng đầu năm 2018.

Gazprom còn đang tìm cách tăng sản lượng xuất khẩu vào châu Âu lên mức 200 tỷ m3/năm. Năm 2017, tập đoàn này cung cấp 194,4 tỷ m3 tới châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller, 200 tỷ m3/năm là con số hoàn toàn khả thi. Yếu tố chính đảm bảo sự tăng trưởng ở thị trường này là sự gia tăng các hoạt động kinh tế của Lục địa già cũng như về dài hạn, sản lượng khí gas của châu Âu (không tính Nga) giảm. Trên thị trường khí gas châu Âu, Nga chiếm tới 34% thị phần (năm 2017), Na Uy 24%, 13% từ nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và 11% nhập từ Algeria. Các hoạt động của Gazprom trên thị trường châu Âu đều được đảm bảo bằng các hợp đồng dài hạn, có thể lên tới 25 năm, chủ yếu là các thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga với các nước ở Trung và Tây Âu.

MỚI - NÓNG