Có vẻ người ta đang chuẩn bị cho kịch bản luận tội tổng thống nếu phe dân chủ thắng tại bầu cử quốc hội tháng 11. Ngày 2/8 tại Nhà Trắng, nơi ai cũng nghĩ ông Trump nắm quyền khuynh loát, trùm bốn cơ quan tình báo và an ninh đồng thanh báo động “có nỗ lực tác động vào các cuộc bầu cử sắp tới”. Cùng ngày, nhánh lập pháp cả dân chủ lẫn cộng hoà tiết lộ đạo luật chế tài Nga hà khắc hơn so với năm ngoái, trong đó có đánh giá của Bộ Ngoại giao theo hướng coi Nga như “nhà tài trợ quốc gia cho khủng bố”.
Động thái ấy diễn ra khi hồ sơ Nga vẫn chưa cho kết quả cụ thể nào. Hai năm trước, ngày 31/7/2016, FBI tố Nga đứng sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Nay vẫn chưa có người nào của Trump bị kết tội vì cái mà điều tra được khởi xướng: “chiến dịch có cấu kết với Moscow can thiệp bầu cử không?”. Trong động thái hiếm hoi, lãnh đạo phe đa số thượng viện Mitch McConnell lần đầu tiên gợi ý công tố viên đặc biệt Robert Mueller “nên gói vụ này lại”.
Ngay cả khi Nga can thiệp hiệu quả, điều đó cũng cho thấy “nền chính trị Mỹ quá mong manh, chứng tỏ Mỹ không mạnh” như độc giả trên một website nói.
New York Times, một trong những báo chống Trump kinh nhất, đăng bài của phóng viên Stephen Boykewich với đoạn “sức nóng tranh luận (về) Nga của chúng ta phản ánh trạng thái lo âu về tình trạng sức khoẻ nền dân chủ của chính chúng ta”. Nhà báo thường trú ở Moscow từ 2004 đến 2007 nhận định các nỗ lực mô tả âm mưu giữa chiến dịch Trump với tình báo Nga đã leo thang đến mức nguy hiểm.
Nhiều học giả đề cập cơn ác mộng nhóm cử tri im lặng từ các thăm dò ngay sau thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Helsinki hôm 16/7. The Wall Street Journal/NBC News vốn không ưa Trump cho hay 26% người được hỏi hài lòng quan hệ Mỹ-Nga, khác xa so với tiên lượng. Bức tường biên giới-nhập cư và kinh tế còn gây ngạc nhiên hơn khi lần lượt 41% và 50% đồng tình với Trump. Không biết chừng luật trừng phạt leo thang có thể lại xúc tác cho cử tri im lặng vùng lên lần nữa với phe chống Trump.