Toà án phúc thẩm cao nhất tuyên rằng quyết định của ông Johnson về việc gián đoạn hay đình chỉ quốc hội từ đầu tuần này đến ngày 14/10 là trái luật. Phán quyết này là một đòn giáng vào chính phủ Anh vào thời điểm đang quyết thực hiện Brexit vào ngày 31/10, dù có hoặc không có thoả thuận.
Khi chỉ còn 7 tuần nữa là đến thời hạn đó, chính phủ và quốc hội Anh vẫn chưa thống nhất được quan điểm về tương lai Brexit, nên kết quả có thể xảy ra sẽ là Anh rời EU không có thoả thuận hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nữa để huỷ Brexit.
“Chúng tôi kêu gọi khôi phục hoạt động của quốc hội ngay lập tức”, nghị sĩ đảng Quốc gia Scotland Joanna Cherry nói sau khi có quyết định của toà. “Ông không thể đình chỉ quốc hội bằng quyền miễn trừ, Boris Johnson”, bà Cherry nói.
Chính phủ Anh cho biết sẽ kháng cáo quyết định của toà án.
Ngày 28/8, ông Johnson thông báo quốc hội sẽ phải tạm dừng làm việc, nói rằng chính phủ muốn làm điều này để vạch ra chương trình làm việc mới của quốc hội.
Nhưng những người phản đối cho rằng lý do thực sự là thủ tướng muốn ngăn chặn quốc hội tiếp tục tranh luận và thách thức đối với kế hoạch Brexit của ông. Toà án công bố tài liệu cho thấy ông Johnson đã tính đến việc đình chỉ quốc hội vài tuần trước khi đề nghị Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận.
Cung điện Buckingham từ chối bình luận về phán quyết. Cố tình gây hiểu nhầm cho Hoàng gia sẽ bị coi là vấn để nghiêm trọng.
Ông Dominic Grieve, một trong 21 thành viên quay lưng với đảng Bảo thủ để phản đối kế hoạch Brexit của ông Johnson, nói rằng nếu ông Johnson cố tình gây hiểu nhầm cho Nữ hoàng thì thủ tướng nên từ chức.