Ấn Độ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Sri Lanka

Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa
Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa
TPO - Việc Ấn Độ mua quyền sử dụng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa (Sri Lanka), chỉ nằm cách cảng Hambantota hiện do Trung Quốc nắm quyền kiểm soát nửa giờ xe chạy nhằm mục đích cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Sri Lanka và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.

Theo trang mạng Business Insider (Mỹ) ngày 12/12, Ấn Độ đã bỏ ra khoảng 300 triệu USD để mua quyền sử dụng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka với thời hạn 40 năm.

Thông tin cho biết, mục đích thực sự của cuộc giao dịch này là do sân bay này nằm tiếp giáp với cầu tàu của cảng Hambantota, nơi Trung Quốc đang nắm quyền sử dụng.

Đặc biệt, sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa chỉ nằm cách cảng Hambantota (Sri Lanka) hiện do Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát khoảng 30 phút xe chạy.

Trước đó, vào ngày 9/12/2017, Trung Quốc đã giành được quyền kinh doanh cảng Hambantota (Sri Lanka) với thời hạn 99 năm. Theo Hiệp định đã được ký kết giữa Trung Quốc với Sri Lanka vào tháng 7/2017, doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được 70% cổ phần của cảng Hambantota, đồng thời được phép thuê cảng và các vùng đất xung quanh với thời hạn lên tới 99 năm.

Do tầm quan trọng của vị trí địa lý, cảng Hambantota luôn nhận được sự quan tâm của Mỹ, Ấn Độ thậm chí cả Nhật Bản. Chính vì vậy, Mỹ-Ấn-Nhật quan ngại rằng, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng cảng này làm căn cứ hải quân. Tuy nhiên, điều này đã bị Bắc Kinh bác bỏ.

Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc

Ông David Brewster, chuyên gia về Chiến lược Ấn Độ Dương tại Đại học Quốc gia Australia, gần đây đã viết trên Tạp chí The Interpreter của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Australia cho rằng: "Việc kiểm soát sân bay Mattala Rajapaksa có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động vận hành của Trung Quốc Quốc tại cảng Hambantota. Nói tóm lại, Ấn Độ đã bỏ ra 300 triệu USD để thuê sân bay với mục đích là gây cản trở Trung Quốc".

Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa nằm ở phía đông Nam Sri Lanka, là sân bay lớn thứ hai Sri Lanka, sau sân bay quốc tế Bandaranaike. Nó được đặt tên theo dòng họ Rajapaksa-một dòng họ nổi tiếng tại quốc đảo Sri Lanka.

Đây là sân bay mới nhất ở Sri Lanka khởi công năm 2013 và cũng là sân bay mô hình đất xanh đầu tiên trong Sri Lanka, được xây dựng để tương thích với các máy bay Airbus A380 mới nhất và đã được thiết kế theo kiến nghị của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Theo thiết kế, sân bay có thể đón 100 triệu hành khách một năm. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều lý do khác nhau chỉ có thể đón 12 hành khách mỗi ngày.

Ấn Độ mua quyền sử dụng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa trong bối cảnh cuộc đối đầu Trung-Ấn vừa kết thúc cách đây không lâu.

Cuối tháng 11/2017, sau khi cuộc đối đầu Trung-Ấn ở khu vực cao nguyên Doklam kết thúc, các nguồn tin của Ấn Độ cho biết, lực lượng công binh Ấn Độ đã mua mới một loạt các trang thiết bị phục vụ cho việc xây dựng công trình đường bộ và phá đá. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn mua sắm hơn 1.000 thiết bị dò mìn để tăng cường năng lực tìm kiếm các loại mìn cho lực lượng công binh.

Bên cạnh đó, quân đội Ấn Độ được cho là đã mua sắm thêm hơn 100 máy đào đất đá, giúp nâng cao năng lực cho lực lượng công binh mở rộng các tuyến đường tại khu vực vùng núi phía Bắc Ấn Độ.

Theo các nguồn tin cho biết, quân đội Ấn Độ dự kiến có kế hoạch tu sửa 50 cây cầu vượt ngắn và một lượng lớn các đường băng di động tốc độ cao nhằm mục đích cường năng lực vận chuyển binh lính và vũ khí.

Theo các chuyên gia quân sự, việc Ấn Độ tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ngay sau khi kết thúc cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc tại khu vực cao nguyên Doklam. Đặc biệt, việc mua quyền sử dụng sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa (Sri Lanka) mục đích chính là cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka, qua đó hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.