Thế giới ngầm trên sàn đấu giá: Cáo già câu kết giang hồ

Khách đang xem “lô hàng” xe gắn máy chuẩn bị đưa ra bán đấu giá - Ảnh: Đàm Huy
Khách đang xem “lô hàng” xe gắn máy chuẩn bị đưa ra bán đấu giá - Ảnh: Đàm Huy
Không chỉ “thò tay” vào các phiên đấu giá những mặt hàng có giá trị lớn, nhiều trùm dàn xếp giá còn vươn vòi bạch tuộc đến các trung tâm đấu giá của tư nhân.

Ngoài nhóm của Dương Ngọc Bảy (tức Bảy “mập”, 58 tuổi, ngụ Q.5), trên địa bàn TP.HCM còn hơn mười nhóm tương tự đang tung hoành. Nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá rất bức xúc về tình trạng một số nhóm người thuộc thế lực ngầm can thiệp khá thô bạo vào các phiên đấu giá, cản trở không ít người có nhu cầu mua hàng thực sự.

Trong đó, phải kể đến băng nhóm của trùm B. “sửa” (ngụ Q.11). Ông B. đã từng dàn xếp nhiều phi vụ đấu giá trị giá tiền tỉ khiến nhiều người trong giới phải chào thua. Vụ can thiệp thô bạo nhất là vụ đấu giá lô hàng cà phê trị giá hơn 1 tỉ đồng được tổ chức tại một trung tâm đấu giá ở TP.HCM.

Vài năm trở lại đây, một số tay giang hồ máu mặt cũng lấn sân sang chia phần khiến “thị trường” vốn đã phức tạp càng thêm rối ren

Phi vụ này, ông B. đã gặp những người tham gia đấu giá yêu cầu bỏ giá cao nhất là 1,02 tỉ đồng, người mua được hàng phải bỏ ra 450 triệu đồng chi cho ông và người tham gia đấu giá. Sau phiên đấu giá này, một DN ở Đồng Nai mua được lô hàng nhưng không chịu chi tiền. Tức giận, ông B. cùng đàn em xuống tận trụ sở DN ép đưa tiền.

Chủ DN đã gọi điện trình báo công an bắt trùm B. Sau vụ này, tiếng tăm của trùm B. nổi như cồn; nhiều băng nhóm giang hồ, “chân gỗ” có máu côn đồ xin gia nhập, chịu dưới trướng của ông B. Trong số đó nổi cộm nhất là băng V. “lùn”, B. “cẩu”… Băng nhóm này có mặt tại các trung tâm đấu giá ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác tổ chức dàn xếp giá. Trước đây, V. “lùn” đã từng thành lập công ty mua bán xe 2 bánh thanh lý, nhưng do kinh doanh thua lỗ nên chuyển sang làm “nghề” dàn xếp giá tại nhiều trung tâm ở TP.HCM.

Một lần, băng của V. kéo xuống tỉnh Bình Dương lấy tiền dàn xếp giá đã bị công an bắt giữ. Sau vụ này, V. đã gia nhập vào băng nhóm của B. “sửa” để dễ tung hoành. Còn B. “cẩu” trong giới “chân gỗ” khá nổi tiếng bởi rất cáo già. Trong các phiên đấu giá, B. “cẩu” là khách hàng tham gia đấu giá nhưng đóng vai trò như “biện” trong đá gà; y tự nguyện cầm sổ đi ghi chép từng tên DN mua được hàng phụ giúp cho ban tổ chức đấu giá… Thật ra, việc B. “cẩu” ghi chép DN mua được tài sản với mục đích sau khi phiên đấu giá xong để dễ đòi tiền chênh lệch. Vài năm trở lại đây, một số tay giang hồ máu mặt cũng lấn sân sang chia phần khiến “thị trường” vốn đã phức tạp càng thêm rối ren.

“Chân gỗ” cũng bị ăn chặn

Trước khi đấu giá, các băng nhóm dàn xếp giá đã thỏa thuận được với người mua hàng sẽ chi tiền chênh lệch cho họ và những người tham gia đấu giá mà hầu hết là “chân gỗ”. Nếu người nào mua được hàng mà sau đó không chia tiền, các băng nhóm dàn xếp sẽ không buông tha. Ở địa bàn Q.Bình Thạnh, T. “điên” là tay giang hồ khét tiếng, hoạt động ở khu vực Bến xe Miền Đông, dưới trướng có hàng chục đàn em chuyên bảo kê, cho vay nặng lãi…

Hầu hết các “chân gỗ” ngụ Q.Bình Thạnh đều thuê T. đi đòi tiền chênh lệch của phi vụ dàn xếp giá. Sau những lần đi đòi tiền, T. lấn sân và nhanh chóng trở thành ông trùm của ông trùm trong lĩnh vực này. Phi vụ mà T. kiếm được nhiều tiền nhất là vụ đấu giá lô hàng đồng hồ nước bằng đồng diễn ra hồi cuối năm 2012. Chủ của lô hàng đã ký hợp đồng với một công ty đấu giá tư nhân M.P ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) nhờ tổ chức bán.

Lô hàng được ra giá khởi điểm hơn 1 tỉ đồng, nhưng nhóm người tham gia định giá lô hàng này hơn 2 tỉ đồng. Phiên đấu giá này thu hút gần 100 người tham gia. Tuy nhiên, sau khi T. dàn xếp, một đại gia tên M. “lò đồng” ở Q.6 mua được lô hàng đồng ý chi 1 tỉ đồng tiền chênh lệch cho băng nhóm T. và các “chân gỗ” tham gia đấu giá. Chơi trên cơ, sau khi mua được lô hàng, ông M. đã chủ động liên lạc với T. bàn bạc cưa đôi số tiền chênh lệch 1 tỉ đồng. Nghĩa là ông M. được 500 triệu đồng và T. hưởng 500 triệu đồng.

“Trước mặt mọi người tham gia đấu giá, ông M. cho biết đã đưa hết 1 tỉ đồng cho T. chia ra cho mọi người. Biết đụng đến T. là có chuyện nên mọi người sợ không dám đòi tiền. Phi vụ này, 2 người được hưởng là T. và ông M.  khiến nhiều “chân gỗ” bức xúc nhưng không làm gì được T.” - một “chân gỗ” tiết lộ. Cuối năm 2013, băng nhóm của T. đã bị Bộ Công an triệt phá do liên quan đến việc cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích. T. cùng 9 đàn em đã xộ khám sau 3 năm làm mưa làm gió ở Bến xe Miền Đông.

Ngoài các băng nhóm, tại TP.HCM còn nhiều băng nhóm khác cũng khá manh động như: B. “trề”, H. (ngụ Q.6), B. “gà”, Tây, V. “dơ”, B. “lớn”, H. “trọc”… (Còn tiếp).

Trước tình trạng băng nhóm khống chế, đe dọa ban tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản buộc phải nhờ cơ quan công an can thiệp. Một cán bộ của Bộ Tư pháp đã từng thừa nhận trên phương tiện thông tin đại chúng rằng hiện tượng này đã làm giảm bớt người có nhu cầu tham gia đấu giá thực sự...  

Vị cán bộ này cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết hủy bỏ kết quả đấu giá nghi có vấn đề, không để cho những kẻ lợi dụng hoạt động bán đấu giá tài sản hưởng lợi bất chính. 

KỲ 2: Bàn tay đen của những ông trùm chuyên dàn xếp đấu giá

Theo Đàm Huy

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".