Vụ việc xảy ra hôm 1/11 khi cảnh sát Pháp đang triển khai đợt kiểm tra định kỳ trên tuyến đường cao tốc giữa Pháp và Italia. Nhóm người nhập cư sau đó được bàn giao cho giới chức Italia. Tài xế xe tải người Pakistan bị bắt giữ. Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ tìm thấy 12 người di cư còn sống trong một xe đông lạnh tại khu vực đỗ xe trên đường cao tốc ở miền Bắc Bỉ hôm 30/10.
Ngày 2/11, đã xảy ra một vụ nổ nghiêm trọng ở một khu chợ thị trấn Tel Abyad, tỉnh Raqqa (đông bắc Syria) làm 13 người thiệt mạng và 30 người bị thương, chủ yếu là dân thường. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng dân quân người Kurd ở Syria (YPG - bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là cánh tay nối dài của tổ chức ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền nam nước này) là thủ phạm gây ra vụ nổ này, hãng tin Anadolu đưa tin.
Ngày 2/11, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu tuyên bố Ankara sẽ hồi hương các tay súng của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, đồng thời chỉ trích việc châu Âu không hành động trong vấn đề này. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Soylu cho rằng việc châu Âu để mặc Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các vấn đề liên quan tới tù nhân IS tại Syria là không thể chấp nhận. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định sẽ hồi hương các đối tượng này.
Ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Iran đã lên án các lệnh trừng phạt mới đây của Mỹ nhằm vào lĩnh vực xây dựng của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhận định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực xây dựng của Tehran cho thấy "sự thất bại" của Washington. Ông Mousavi cho rằng ngành ngoại giao Mỹ không có khả năng đưa ra những sáng kiến và chỉ dựa vào việc gây sức ép.
Chính phủ Pháp thông báo máy bay chiến đấu nước này đã oanh tạc một vài đường hầm và kho tích trữ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đông Bắc Iraq. Hành động này nhằm tái khẳng định quyết tâm của Paris trong việc tiếp tục truy lùng các phần tử cực đoan, sau khi Mỹ rút khỏi nước láng giềng của Iraq là Syria.Pháp tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và đã thực hiện nhiều vụ không kích nhằm vào lực lượng IS ở Iraq và Syria kể từ năm 2014.
Bộ Ngoại giao Bulgaria ngày 2/11 lên tiếng phản đối phát ngôn mới đây được mô tả là không thể chấp nhận được của Tổng thống Pháp liên quan tới người di cư Bulgaria và Ukraine, yêu cầu phía Pháp phải có giải thích rõ ràng về phát ngôn này. Theo truyền thông Bulgaria, trong một bài phỏng vấn với tạp chí cực hữu Valeurs Actuelles số ra ngày 1/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có sự so sánh giữa người di cư hợp pháp và bất hợp pháp khi cho rằng ông ủng hộ người di cư hợp pháp tới từ Ghinea hay Bờ Biển Ngà thay vì các tổ chức bất hợp pháp người Bulgaria hay Ukraine.
Ngày 2/11, hàng nghìn người biểu tình đã phong toả mọi con đường dẫn vào cảng Umm Qasr ở phía Nam tỉnh Basra của Iraq. Đây là một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của quốc gia Trung Đông này. Nhà chức trách Iraq cho biết, lực lượng an ninh đã phải sử dụng đến hơi cay và đạn thật để giải tán người biểu tình. Khoảng 120 người đã bị thương sau khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh.
Tại phiên họp Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 20 ngày 2/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Thái Lan, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã bày tỏ sự quan ngại của Kuala Lumpur về sự xuất hiện của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của nước này. Đề cập về vấn đề Biển Đông, ông Saifuddin đã bày tỏ quan ngại về việc các tàu hải cảnh Trung Quốc ngày càng xuất hiện thường xuyên ở những khu vực gần bờ biển Malaysia, trong lúc quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Bắc Kinh đang tiếp tục diễn ra.