THẾ GIỚI 24H: Thụy Sĩ tái khẳng định lập trường về viện trợ vũ khí cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bất chấp áp lực quốc tế ngày càng tăng về việc gửi vũ khí cho Ukraine, Thụy Sĩ đã tự hủy các hệ thống phòng không đã ngừng hoạt động thay vì bàn giao chúng cho Kiev.

Ngoài việc từ chối gửi vũ khí, Thụy Sĩ hiện đã cấm các quốc gia khác chuyển giao vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất trong cuộc xung đột. Thụy Sĩ đã sở hữu tên lửa đất đối không Rapier (SAM) từ Anh vào những năm 1980, lô SAM đầu tiên đã bị loại bỏ mặc dù trước đó Ukraine đã yêu cầu tiếp viện vũ khí này. Thụy Sĩ không phải là quốc gia duy nhất giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nước láng giềng Áo cũng chính thức trung lập và từ chối gửi vũ khí cho Ukraine. Hungary cũng đang từ chối tiếp viện vũ khí.


Thành viên NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ngày 16/3, Tổng thống Ba Lan cho biết sẽ chuyển giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine trong những ngày tới. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố: “Khi nói đến máy bay MiG-29 vẫn đang hoạt động để bảo vệ không phận Ba Lan, một quyết định đã được đưa ra ở cấp cao nhất. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi đang gửi MiG tới Ukraine”. (XEM CHI TIẾT...)


Triều Tiên công bố thông tin về vụ phóng ICBM Hwasong-17. Vụ phóng ICBM Hwasong-17 được thực hiện tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng. Tên lửa bay lên tới độ cao 6.045km và di chuyển qua quãng đường 1.000,2 km trong 4.151 giây trước khi rơi chính xác xuống vị trí định trước ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Triều Tiên.


Trung Quốc kêu gọi Ukraine và Nga nối lại hòa đàm. Trung Quốc kêu gọi Ukraine và Nga nối lại đàm phán hòa bình sớm nhất có thể, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm. Đây là khẳng định được Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra hôm qua (16/3) trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine.


Trung Quốc chỉ trích Nhật "quay trở lại con đường quân sự hoá nguy hiểm". Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 16/3 đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt Nhật vì đã phóng đại cái gọi là “mối đe dọa từ bên ngoài” trong những năm gần đây và tăng cường ngân sách quốc phòng, đồng thời cho rằng xu hướng quay trở lại con đường quân sự hóa của Tokyo là "rất nguy hiểm”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, theo hãng Reuters.


Đan Mạch từ chối để Nga tham gia điều tra vụ nổ Nord Stream. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Đan Mạch từ chối để Nga tham gia điều tra vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream. “Đây là hành vi gian dối, hoàn toàn lừa bịp. Nhưng câu chuyện với Nord Stream sẽ không kết thúc giống như nhiều câu chuyện khác mà họ đã chôn vùi hoặc che đậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 16/3, sau khi Đan Mạch từ chối cho phép Nga tiếp cận cuộc điều tra về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc).


Libya tìm thấy hơn 2 tấn urani bị thất lạc. Tướng Khaled al-Mahjoub - chỉ huy cơ quan liên lạc của nhà lãnh đạo Khalifa Hafta tại Libya - ngày 16/3 xác nhận hơn 2 tấn urani tự nhiên mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước đó thông báo bị thất lạc đã được tìm thấy. Tướng Mahjoub khẳng định các thùng chứa urani đã được phát hiện cách cơ sở lưu trữ chỉ 5 km ở miền Nam Libya.


Hải quân Thái Lan khẩn trương ngăn chặn nguy cơ tràn dầu ở Vịnh Thái Lan. Lực lượng Hải quân Hoàng gia Thái Lan đang gấp rút tham gia nỗ lực giải cứu tàu chở dầu FSO Bechamas 2, thuộc Tập đoàn Chevron có trụ sở tại Mỹ, bị hư hại trong quá trình bảo dưỡng định kỳ ở Vịnh Thái Lan, nhằm ngăn chặn nguy cơ tràn dầu trên Vịnh. Nước biển tràn vào tàu FSO Bechamas 2 hôm 14/3 sau khi xảy ra vụ nổ ở khoang máy trong quá trình bảo dưỡng định kỳ.


Bộ Thương mại Hàn Quốc ngày 16/3 thông báo sẽ rút đơn kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Quyết định trên được đưa ra sau khi Nhật Bản cùng ngày đồng ý bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc.


Anh sẽ cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị của chính phủ. Theo Reuters, Bộ trưởng Văn phòng Nội các của Anh Oliver Dowden ngày 16/3 cho biết chính phủ nước này sẽ cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị của chính phủ, sau những động thái tương tự của châu Âu và Mỹ. Phát biểu trước Nghị viện Anh, ông Oliver Dowden nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cấm sử dụng TikTok trong các thiết bị của chính phủ. Chúng tôi sẽ làm vậy với hiệu lực ngay lập tức."

MỚI - NÓNG