THẾ GIỚI 24H: Tấn công bằng xe và dao nhằm vào lực lượng cảnh sát Đồi Capitol

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh phong tỏa hiện trường vụ tấn công. Ảnh: AP
Lực lượng an ninh phong tỏa hiện trường vụ tấn công. Ảnh: AP
TPO - Cảnh sát Đồi Capitol xác nhận một chiếc xe đã đâm vào hàng rào phía Bắc của khu vực toà nhà Quốc hội Mỹ khiến một cảnh sát thiệt mạng và một cảnh sát khác bị thương.

Người phát ngôn Lực lượng Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington D.C ngày 2/4 cho biết cơ quan chức năng Mỹ đã triển khai một đơn vị phản ứng nhanh, trong đó có các thành viên của lực lượng này, tới khu vực Đồi Capitol để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát. Theo thông báo, hiện có khoảng 2.300 binh sỹ của lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai ở Washington D.C nhằm hỗ trợ cho các quan chức liên bang, bang và địa phương. Trước đó, cảnh sát Đồi Capitol xác nhận một chiếc xe đã đâm vào hàng rào phía Bắc của khu vực toàn nhà Quốc hội Mỹ và khiến một cảnh sát thiệt mạng và một cảnh sát khác bị thương. Nghi phạm đã bị bắn và tử vong trên đường tới bệnh viện, sau khi đối tượng này ra khỏi xe và dùng dao tấn công về phía lực lượng an ninh. Toàn bộ khu vực Đồi Capitol hiện vẫn bị phong tỏa sau vụ việc.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 614.426 trường hợp mắc COVID-19 và 9.824 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 130,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,84 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 130.779.425 ca, trong đó có 2.849.609 người tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất kêu gọi thiết lập một hiệp ước quốc tế về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như các đại dịch khác có thể xuất hiện. Mục tiêu chính của hiệp ước quốc tế trên sẽ là thúc đẩy cách tiếp cận của tất cả các chính phủ trên thế giới, cũng như toàn xã hội, tăng cường năng lực quốc gia, khu vực và toàn cầu, cũng như khả năng ứng phó các đại dịch có thể xuất hiện. Hiệp ước này sẽ được hỗ trợ với các công cụ y tế toàn cầu hiện có, đặc biệt là các Quy định Y tế quốc tế.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2/4 cho biết nước này đã cung cấp ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 101.804.762 người, tương đương hơn 30% dân số Mỹ, đạt mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra. Theo số liệu của CDC, gần 58 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu người nói trên đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, theo chế độ 1 liều duy nhất hoặc 2 liều. Hơn 50% trong số đó là những người từ 65 tuổi trở lên.

Quân đội Ukraine ngày 2/4 cho biết, trong 24 giờ qua đã xảy ra 13 đợt vi phạm lệnh ngừng bắn, khiến hai binh sĩ Ukraine bị thương. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 1/4 cũng lên tiếng cáo buộc Nga có hành động hủy hoại an ninh tại vùng Donetsk và Luhansk, không thực hiện cam kết lệnh ngừng bắn. Ông gọi leo thang can dự của Nga là có hệ thống và ở quy mô “lớn nhất” trong vài năm trở lại đây. Moskva bác bỏ luận điệu này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng đa phần giới quân sự Ukraine đều hiểu rõ mối nguy hiểm của một cuộc “xung đột nóng” ở Donbass. Ông cảnh báo lãnh đạo Ukraine không nên để bị kích động bởi phương Tây và có hành động sai lầm, bởi một cuộc chiến mới ở Donbass sẽ hủy diệt Ukraine.

Trong cuộc điện đàm chính thức đầu tiên với người đồng cấp Ukraina, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ Kiev trong cuộc đối đầu với binh lính Nga ở gần biên giới nước này. Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa ông Biden và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy hôm 2/4 diễn ra sau khi các quốc gia phương Tây và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên tiếng quan ngại về những động thái của quân Nga gần vùng Donbass ở phía đông, nơi binh lính Ukraina đang xung đột với các lực lượng nổi dậy được Nga hậu thuẫn. Tuyên bố ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ Moscow. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Moscow sẽ coi bất kỳ việc triển khai binh lính phương Tây nào ở Ukraina là hành động khiêu khích nghiêm trọng, có nguy cơ kích hoạt một chuỗi sự kiện nguy hiểm sau đó. Ông Peskov nhấn mạnh, Nga chắc chắn sẽ có các biện pháp trả đũa "nhằm bảo đảm an ninh quốc gia", nhưng không tiết lộ đó có thể là gì.

Các quan chức Mỹ và Iran đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, gần ba năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không diễn ra trực tiếp mà qua các bên trung gian. Trong tuyên bố ngày 2/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ đã nhất trí với các nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ cùng Đức) xác định các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại thỏa thuận JCPOA năm 2015. Tuyên bố nhấn mạnh Washington không hy vọng các cuộc đàm phán sẽ ngay lập tức tạo được đột phá do vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, song bày tỏ tin tưởng đây là một "bước tiến thuận lợi."

Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) ngày 2/4 thông báo con kênh này sắp được giải phóng hoàn toàn khỏi tình trạng ùn tắc trong vài ngày qua, sau khi tàu container Ever Given được giải cứu hôm 29/3. Trả lời phỏng vấn Kênh Extra News, người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết hiện chỉ còn 61 tàu đang chờ và sẽ đi qua Kênh đào Suez trong ngày 3/4, giảm mạnh so với 422 tàu bị ùn tắc trước đó. Trước đó, Ai Cập khẳng định sẽ yêu cầu được bồi thường hơn 1 tỷ USD cho những tổn thất phát sinh từ việc tàu Ever Given chặn ngang Kênh đào Suez, cũng như chi phí giải cứu con tàu này.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.