THẾ GIỚI 24H: Lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng

Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un. Ảnh: AP
TPO - Ngày 1/5, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã xuất hiện lần đầu tiên trong gần 3 tuần qua, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.

 Ông Kim Jong Un đã dự lễ khánh thành một nhà máy phân bón, truyền thông Triều Tiên cho biết hôm 2/5, đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện của nhà lãnh đạo sau 20 ngày vắng mặt. Theo giới truyền thông, Chủ tịch Kim đã tham dự sự kiện này cùng với nhiều quan chức cấp cao khác trong đảng và quân đội Triều Tiên, ngoài ra còn có sự tham gia của rất nhiều công nhân ngành xây dựng Triều Tiên. Ông đã tự tay mình cắt băng khánh thành và vẫy tay chào đám đông.


Ngày 1/5, hãng Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa áp thuế mới với Trung Quốc trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho hay chính quyền của ông Donald Trump đang soạn thảo các biện pháp trả đũa Bắc Kinh với những cáo buộc Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 với phòng thí nghiệm tại TP Vũ Hán của Trung Quốc, song không cung cấp thêm chi tiết. Ông Donald Trump nhấn mạnh lo ngại của ông về vai trò của Trung Quốc trong nguồn gốc và sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang được đặt lên trên nỗ lực xây dựng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.


Trang Stripes dẫn thông cáo từ Không quân Mỹ cho hay, 2 máy bay ném bom B-1B Lancer thuộc Không đoàn Ném bom số 28 tại căn cứ không quân Ellsworth ở bang South Dakota có chuyến bay dài 32 giờ thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông. Theo thông cáo, đây là một phần trong sứ mệnh chung của Bộ Tư lệnh chiến lược và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho thấy “mô hình triển khai lực lượng năng động” mới. Trước đó, ngày 22/4, máy bay ném bom B-1 của Mỹ từ căn cứ Ellsworth đã tới Nhật Bản, cùng 1 chiếc B-1B Lancer tham gia diễn tập với 15 máy bay chiến đấu của Nhật gần căn cứ không quân Misawa.


Các quan chức Afghanistan ngày 1/5 cho biết các cuộc giao tranh giữa các tay súng Taliban và các lực lượng quốc gia Tây Nam Á này ngày càng dữ dội hơn tại tỉnh miền Bắc Balkh và miền Nam Logar trong bối cảnh hai bên đối địch muốn giành quyền kiểm soát các chốt kiểm soát và số ca mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này gia tăng. Trong những tuần gần đây, Taliban đã tấn công một số tỉnh, phớt lờ một cam kết giảm bạo lực như một phần của thỏa thuận hòa bình đã ký với chính quyền Mỹ hôm 29/2.


Ngày 1/5, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết, WHO sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Y tế vào ngày 18/5 tới. Chương trình  nghị sự của Hội nghị được tổ chức hằng năm này sẽ được cắt ngắn và tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Cùng ngày, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cảnh báo nhiều quốc gia trên thế giới đang cạn kiệt nguồn vaccine, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ phong tỏa đối với các chuyến hàng vận chuyển vaccine trong bối cảnh các chuyến bay thương mại quốc tế bị giảm mạnh do dịch COVID-19. 


Chính quyền Tây Ban Nha đóng cửa một bệnh viện dã chiến lớn ở thủ đô Madrid, ghi nhận thành công nhất định trong việc ngăn chặn COVID-19. Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm Ifema ở thủ đô Madrid được chính quyền Tây Ban Nha đưa vào sử dụng từ ngày 22/3 và được coi là biểu tượng cho cuộc chiến khốc liệt chống lại COVID-19 tại đất nước Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Với năng lực 1.350 giường bệnh, trong hơn 1 tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị gần 4.000 ngàn bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Madrid, vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại Tây Ban Nha.


Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.394.965 ca trong đó có 239.302 người đã tử vong. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.079.298 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 51.332 người trong tình trạng nguy kịch.


Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/5 tuyên bố dịch COVID-19 vẫn là "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế" (PHEIC), khi mà bệnh lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Theo ông Tedros, WHO sẽ "tiếp tục phối hợp với các quốc gia và đối tác để cho phép hoạt động đi lại thiết yếu, cần thiết cho công tác ứng phó với đại dịch, cứu trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa, cũng như để các nước có thể dần nối lại hoạt động đi lại thông thường của hành khách. Tổng giám đốc WHO cũng cho biết Ủy ban Khẩn cấp sẽ được tái triệu tập trong vòng 3 tháng. Cuộc họp thứ 3 của Ủy ban Khẩn cấp liên quan tới đại dịch COVID-19 được tổ chức hôm 30/4.
MỚI - NÓNG