THẾ GIỚI 24H: Công bố thời gian luận tội Tổng thống Mỹ Trump

THẾ GIỚI 24H: Công bố thời gian luận tội Tổng thống Mỹ Trump
TPO - Phiên toà luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu vào ngày 21/1, sau khi Hạ viện bỏ phiếu và chính thức chuyển các điều khoản luận tội lên Thượng viện.

Cuộc bỏ phiếu về cáo buộc với ông Trump được thông qua với 228 phiếu thuận, 193 phiếu chống. Nó diễn ra một tháng sau khi Hạ viện buộc tội người đứng đầu Nhà Trắng lạm dụng quyền lực và cản trở hoạt động của Quốc hội.  Hôm nay (16/1), Thượng viện sẽ biến đổi thành một toà án luận tội. Một đội công tố viên gồm 7 người sẽ do Thượng nghị sĩ Adam Schiff thuộc Uỷ ban Tình báo và nghị sĩ Jerry Nadler thuộc Uỷ ban Tư pháp dẫn dắt. Ông Adam và Jerry đều là phó tướng của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Phiên xử ông Trump sẽ là phiên toà luận tội Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ. Nếu bị kết tội, ông Trump sẽ phải rời ghế Tổng thống Mỹ. 


 Tổng thống Nga Putin vừa chỉ định lãnh đạo Cơ quan thuế liên bang Mikhail Mishustin đảm nhiệm chức vụ thủ tướng nước này, sau khi ông Dmitry Medvedev bất ngờ từ chức hôm 15/1. Dẫn thông cáo báo chí của Điện Kremlin, hãng thông tấn TASS cho biết: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc làm việc với ông Mikhail Mishustin, đề nghị ông đảm nhận cương vị người đứng đầu chính phủ. Sau khi ông Mishustin nhận lời, Tổng thống Putin đã gửi quyết định đề cử này lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) xem xét". Ông Mikhail Mishustin (53 tuổi) là một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, có nhiều năm giữ các trọng trách trong chính phủ Nga. Từ tháng 4/2010 đến nay, ông giữ cương vị lãnh đạo cơ quan thuế Liên bang Nga.


Ngày 15/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố từ chức và giải tán Chính phủ Liên bang Nga, vài tiếng sau khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang năm 2020. Thủ tướng Medvedev đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Putin và được chấp nhận. Tổng thống Putin đồng thời yêu cầu các bộ trưởng tiếp tục đảm nhiệm vai trò là một chính phủ tạm quyền cho tới khi chính phủ mới được thành lập. Quyết định từ chức của ông Medvedev được cho là nhằm tạo điều kiện để Tổng thống Putin thực hiện sửa đổi hiến pháp.


Ngày 15/1, các công tố viên Đức cho biết đang tiến hành điều tra 3 người, trong đó có một cựu quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) mang quốc tịch Đức, bị tình nghi hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Người phát ngôn của Văn phòng Cơ quan công tố Liên bang Đức đã "xác nhận cuộc điều tra về hoạt động gián điệp" cho các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc. Hai nghi can còn lại được cho là những nhà vận động hành lang làm việc cho một "công ty vận động hành lang nổi tiếng của Đức."


Ngày 15/1, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo đã điều 2 máy bay vận tải và 70 quân nhân thuộc Lực lượng Dân quân tự vệ (SDF) tới tham gia các nỗ lực chữa cháy hỗ trợ Australia. Hai máy bay vận tải C-130 và các thành viên SDF đã rời Căn cứ quân sự Komaki ở tỉnh Aichi, tới tham gia cùng với các 8 thành viên khác của SDF hiện đã ở Australia để hỗ trợ dập tắt các đám cháy rừng dữ dội tại quốc gia này. Các hoạt động chính của lực lượng Nhật Bản là vận chuyển nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ chữa cháy.


Giới chức thành phố Bengaluru ở miền Nam Ấn Độ vừa phát động chiến dịch chống nạn tiểu bậy nhức nhối bằng cách lắp đặt gương phản chiếu cỡ lớn tại các điểm “đen” khắp thành phố. Kênh truyền hình RT (Nga) đưa tin trong tuần này, các tấm gương đã được dựng lên tại 5 địa điểm thuộc Bengaluru sau khi vô số biện pháp xử phạt không thể chấm dứt thói quen xấu này của người dân.


Tổng thống nước này Abdel-Fattah El-Sisi ngày 15/1 đã khai trương căn cứ quân sự lớn nhất tại Biển Đỏ, ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận Kader của Quân khu miền Bắc bắt đầu diễn ra từ tuần trước. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Ai Cập Bassam Rady cho hay, căn cứ quân sự Barnis tọa lạc ven Biển Đỏ gần biên giới phía Nam Ai Cập, được xây dựng với mục đích bảo vệ khu vực ven biển phía Nam, các khoản đầu tư kinh tế và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào tại Biển Đỏ.


Ngày 15/1 theo giờ Mỹ, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an để nghe Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình chính trị, an ninh của Mali, hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc nhằm ổn định tình hình Mali (MINUSMA) và thảo luận về Kế hoạch hoạt động của MINUSMA trong thời gian tới. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào thường dân, các lực lượng an ninh Mali và MINUSMA.

MỚI - NÓNG