Theo dữ liệu của Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 16/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 2.075.532 trường hợp, trong đó 134.286 trường hợp tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 28.443 ca mắc và 2.396 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 641.813 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 28.443 trường hợp. Liên tiếp trong 3 ngày qua, Mỹ đều ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 2.000. Thị trưởng Muriel Bowser của thủ đô Mỹ Washington D.C đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/5. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu ngày 1/5 sẽ là ngày có thể nới lỏng biện pháp “cách ly tại nhà” trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cho biết sẽ “ủy quyền” cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.
Ngày 15/4, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, trong 24h qua, nước này đã phát hiện thêm 4.281 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 69.392 trường hợp. Ngoài ra, cùng ngày Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ghi nhận thêm 115 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tính đến nay lên 1.518 người. Bộ trưởng Koca cho hay, kể từ khi bùng phát dịch đến nay đã có 5.674 bệnh nhân chữa khỏi và 477.716 người được xét nghiệm. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã áp đặt biện pháp cách ly đối với 227 khu dân cư tại 58 tỉnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết hôm 16/4, sau khi xét nghiệm khoảng hai phần ba số thuỷ thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle, số người dương tính với COVID-19 là 668 trường hợp. 31 người đang được điều trị tại bệnh viện và một người phải đưa vào phòng chăm sóc tích cực. Tuần trước, sau khi một số thuỷ thủ trên tàu xuất hiện triệu chứng nhiễm COVID-19, Bộ Quốc phòng Pháp đã quyết định đưa tàu Charles de Gaulle về nước sớm hơn 10 ngày so với dự kiến, khi nó đang thực hiện một nhiệm vụ ở Đại Tây Dương.
Tổng giám đốc WHO nói rằng ông lấy làm tiếc khi Trump cắt ngân sách nhưng ông kêu gọi thế giới đoàn kết chống COVID-19. WHO vẫn đang đánh giá tác động của động thái này và sẽ "cố gắng lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào với các đối tác", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Nhưng giờ là lúc thế giới đoàn kết trong trận chiến chung chống lại kẻ thù nguy hiểm".
Hơn 2.000 người sống tại các trại tị nạn trên đảo ở Hy Lạp thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước COVID-19 sẽ được di dời khỏi các điểm nóng dịch bệnh. Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Hy Lạp Gianluca Rocco cho biết, những người này sẽ được tạm trú tại khách sạn và căn hộ trên các đảo và đất liền để bảo vệ họ trước nguy cơ dịch bệnh. Những đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm tất cả những người trên 65 tuổi, kể cả những người không có vấn đề về sức khỏe.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông đã bắt giữ một nhóm công dân Ukraine tại bán đảo Crime khi đang âm mưu tổ chức đánh bom, thu thập thông tin thuộc bí mật quốc gia của Nga và tiến hành tuyển mộ các công dân Nga hoạt động vì lợi ích của họ. Theo RIA Novosti, các hoạt động nói trên được tổ chức bởi Đại tá Akhmedov Oleg Alisherovich, sinh năm 1975, người đứng đầu đơn vị tình báo quân đội Ukraine, đóng tại thành phố Kherson của nước này.
Ngày 15/4, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đồng ý nối lại vòng đàm phán thương mại tiếp theo vào ngày 20/4, sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gián đoạn thời gian đàm phán. Các vòng đàm phán tiếp theo sẽ kéo dài khoảng một tuần mỗi lần, theo trình tự bắt đầu từ các ngày 20/4, 11/5 và 1/6 - với một cuộc họp "cấp cao" vào tháng 6 để đánh giá kết quả trước khi quyết định có trì hoãn thời gian chuyển tiếp hay không.