Là học sinh trường THPT Lương Thế Vinh khóa 2014-2017, Trịnh Đình Phúc (19 tuổi, Hà Nội) hiện đang là sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn nhớ như in hình ảnh thầy giáo cao lớn với bộ râu dài, tóc bạc phơ, mùa đông mặc áo vest đội mũ nồi "đẹp như ông Tây". Phúc cho rằng, khóa các em “kém may mắn” hơn thế hệ các anh chị khóa trước được thầy trực tiếp giảng bài. Nhưng trong kí ức của Phúc, thầy Văn Như Cương còn hơn cả một người thầy. Với em, thầy là người truyền cảm hứng.
“Bản thân em nhiều lần được tiếp xúc với thầy, được nghe lời thầy nói và cả chỉ bảo nhẹ nhàng. Những buổi về trường gặp học sinh, quan tâm hỏi han đến từng học sinh đã lay động những điều đẹp đẽ trong tâm trí em. Thầy là mẫu giáo viên vừa nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm khắc, Đặc biệt. Thầy là người biết cách truyền cảm hứng khiến nhiều học sinh luôn biết phấn đấu vươn lên để đạt kết quả tốt lên”- Phúc tâm sự.
Trong đời học sinh của mình, Phúc cho rằng, hình ảnh thầy lúc đã lâm trọng bệnh khiến em có nhiều suy nghĩ nhất: “Đó là tấm gương về nghị lực sống mãnh liệt nhất mà em từng biết”- Phúc nói.
Cũng chính Phúc chia sẻ, khi thầy ốm, em cùng các bạn tự tay gấp một con hạc và viết lời chúc vào đó để gửi đi mong một "phép màu": “Và thầy đã khỏe lại đến cả một năm sau. Đó là điều kì diệu không thể lí giải nổi”.
Trong những điều thầy Văn Như Cương truyền lại cho thế hệ sau, với Phúc, thầy đã truyền cảm hứng cho học sinh thông qua những thông điệp giàu ý nghĩa.
“Em ấn tượng nhất đó là bài học “một phút chữa bệnh lười” trong lễ khai giảng của trường THPT Lương Thế Vinh. Chỉ trong mười phút ngắn ngủi trò chuyện cùng các em học sinh, thầy Văn Như Cương đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.
“Chính 10 phút đó đã tác động rất nhiều đến con người em. Từ một học sinh lười, không có mục đích rõ ràng, em đã chăm hơn và đạt kết quả cao trong học tập”- Phúc chia sẻ.
“Tôi luôn nhìn vào để làm sao cho xứng đáng là học trò của thầy, đồng nghiệp của thầy”- anh Lê Thảo tâm sự.
Cũng theo thầy Lê Thảo, trong giờ dạy học sinh, anh cũng thường kể cho học sinh về những câu chuyện thầy viết, về những bài học thầy dạy.
“Kỷ niệm với thầy thì tôi có nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất lần thầy nằm viện, lúc ý thầy yếu lắm rồi, anh và một số thầy cô vào thăm thầy, dù mệt thầy vẫn cố ngồi dạy để nói chuyện với các thầy cô, hỏi han tình hình dạy dỗ của các thầy cô, hỏi về tình hình thi cử của các con, về đề thi,.... Tôi cảm thấy dù đến lúc thầy “gần đất xa trời”, thầy vẫn luôn dành cho các thầy cô, dành cho giáo dục những quan tâm đặc biệt nhất”- thầy Lê Thảo tâm sự.
Thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên dạy Toán của trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) chia sẻ, anh may mắn được làm việc với thầy khá lâu, từ năm 2007-2014.
Trong kí ức của anh, vẫn vẹn nguyên gặp hình ảnh thầy Cương râu tóc bạc phơ, như một ông Tiên giữa đời thực, tươi cười trò chuyện với học trò.
Cũng theo thầy Cường, dù những ngày thầy bệnh nặng, phải vợ thầy dìu về trường, nhưng thầy vẫn hỏi han học sinh, giáo viên: “Đó là bài học về tinh thần trách nhiệm, là sự nhiệt huyết với bao thế hệ học sinh”.
7 năm làm việc ở trường Lương Thế Vinh, thầy Cường cho rằng, anh cho rằng, mình thật may mắn vì vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp với thầy Văn Như Cương. “Tôi không chỉ lĩnh hội được kiến thức chuyên môn về môn Toán mà còn học được thói quen khoa học, sự tài hoa, uyên bác của Thầy. Ngoài ra, những điều chia sẻ ý nghĩa trong cuộc sống qua những “bài luận”, bài nói chuyện là điều quan trọng không kém giúp tôi cũng như nhiều thế hệ học sinh cảm thấy có một khoảng thời gian ý nghĩa trong ngôi trường này”- thầy Cường chia sẻ.
Rạng sáng ngày 9/10/2017, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80 sau gần ba năm chống chọi với bệnh tật.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Ông là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội.