Thầy tôi võ sư đai trắng

0:00 / 0:00
0:00
Võ sư Nguyễn Văn Dũng huấn luyện trên núi Bạch Mã. Ảnh: Tư liệu
Võ sư Nguyễn Văn Dũng huấn luyện trên núi Bạch Mã. Ảnh: Tư liệu
TP - Một võ sư cả đời tận tụy với võ thuật, đứng đầu một phân đường hàng chục ngàn võ sinh, nhưng đến một ngày ông rũ bỏ những đai đẳng danh tiếng để trở về với chiếc đai trắng tinh khôi vốn dành cho những người ngày đầu tiên bước chân đến võ đường. Võ sư ấy cũng là một nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng.

Đối với những võ sinh từng theo học võ Karate-Do thì võ sư Nguyễn Văn Dũng là một trong những tượng đài và là người thầy được các thế hệ rất kính trọng.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng nguyên là trưởng tràng Hệ phái Suzucho Karate-Do (từ 1995 - 2006), người trực tiếp được sư tổ chưởng môn Suzuki Choji truyền dạy và giao chức trưởng tràng, một trong số các cao đồ của hệ phái, ông đeo huyền đai đệ thất đẳng (7 đẳng), là một trong số những người có đai đẳng cao nhất của môn phái Karate- Do ở Việt Nam. Hình ảnh người võ sư có thể nói là “trên đỉnh cao võ thuật” ấy rất nhiều năm qua đã in sâu trong tâm trí những học trò của ông.

Thầy tôi võ sư đai trắng ảnh 1

Võ sư đai trắng Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Tư liệu của tiến sĩ Tịnh Thy

Bỗng một ngày, ở tuổi 80, ông tập trung 100 cao đồ thuộc Phân đường Nghĩa Dũng karate và trao quyền sư trưởng lại cho con trai mình. Phân đường Nghĩa Dũng Karate hiện có khoảng 30.000 võ sinh đang tập luyện tại 40 phân đường ở trên khắp đất nước Việt Nam và 7 nước trên thế giới. Tất cả các môn đồ đều lặng người đi. Dường như không ai tin nổi và không ai muốn tin đó là sự thật. Bởi tất cả đều đã quen thuộc với bóng dáng của người thầy cây cao bóng cả.

Nhưng, người võ sư ấy đã quyết, ông để lại sau lưng tất cả những buồn vui cùng danh vọng. Ông tự đeo cho mình chiếc đai trắng vốn dành cho những người ngày đầu tiên tập võ. Dĩ nhiên với chiếc đai trắng, ông đang có đai đẳng thấp hơn mọi học trò của mình trong quá khứ lẫn trong hiện tại.

Trả lời phỏng vấn của một nhà báo, võ sư nói: “Tôi thường nói với môn sinh, rằng “Thiên nhiên là người thầy vĩ đại. Xa lánh thiên nhiên và chạy theo ảo vọng là nguồn cơn của mọi khổ đau trần thế”, rằng “Sách là người thầy vĩ đại, sách cho ta đôi cánh bay tới những chân trời”, rằng “Nếu thực phẩm của võ là chiêu thức quyền cước thì thực phẩm của cái tâm là âm nhạc và thi ca - Một cái tâm trong sáng, tràn đầy, và hòa ái sẽ giúp con người tránh xa thói vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, và thích bạo lực đang lan tràn trong xã hội hiện nay”.

Người sư trưởng tháo đi chiếc đai 7 đẳng, như trút bỏ một gánh nặng “ngàn cân” đã đeo lên cuộc đời mình, hơn là luyến tiếc hào quang.

Cao đồ của võ sư, nhà báo Lê Thanh Phong (báo Lao Động) viết: “Thầy tôi ung dung với chiếc đai trắng, chiếc đai của một môn sinh vỡ lòng. Suốt gần 40 năm theo học với thầy, chưa bao giờ tôi thấy được sự thảnh thơi nơi thầy tôi như vậy”.

Nhà báo Lê Thanh Phong còn tiết lộ thêm: “Rồi thầy tôi sẽ về ẩn cư trên ngọn núi cao hay thâm sơn cùng cốc. Với lau trắng, mây trắng, chiếc đai trắng và đôi bàn tay rỗng không”.

Trước các cao đồ, những huấn luyện viên trong và ngoài nước, võ sư Nguyễn Văn Dũng đã căn dặn, bằng một câu nói kinh điển của ông: “Võ đường là trường học”.

Phân đường Nghĩa Dũng Karate có tiếng là nơi lớp trẻ không chỉ tới để học võ mà còn cùng nhau học văn hóa, chia sẻ tri thức. Hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ… là môn sinh của Nghĩa Dũng Karate, là học trò của võ sư Nguyễn Văn Dũng.

Nhiều lần, võ sư Nguyễn Văn Dũng lên tiếng về vấn nạn bạo lực trong học đường, với lời kêu gọi: “Không biến trường học thành võ đường mà phải biến võ đường thành trường học”.

Tiến sĩ văn học Tịnh Thi, cũng là một học trò Karate viết: “Bước vào võ đường với chiếc đai màu trắng tinh khôi, trắng đến ngỡ ngàng, trước hơn 100 cao đồ đại diện cho các võ sĩ trong và ngoài nước, võ sư Nguyễn Văn Dũng căn dặn học trò gìn giữ võ đạo của thầy: “Võ đường là trường học, là nơi giáo dục võ sinh hoàn thiện nhân cách để họ có thể trở thành những con người có trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình, biết sống nhân văn. Các em không bao giờ được thương mại hóa võ thuật !”.

Thầy tôi võ sư đai trắng ảnh 2

Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Nguyễn Văn Dũng

Tôi, người viết bài báo nhỏ này, cũng là học trò của võ sư Nguyễn Văn Dũng từ năm 1989, khi lần đầu tiên thầy đưa môn Karate ra đất Nghệ An. Khi đó, chúng tôi là khóa 1 và khóa 2 (chúng tôi học cùng một lớp do khi đó có ít võ sinh).

Tôi và một vài bạn nữa là sinh viên, được xem là “trí thức” nhất, còn phần nhiều là các em nhỏ và một số bạn trẻ, nhiều người không nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê.

Thầy Nguyễn Văn Dũng từ Huế ra thăm chúng tôi, thăm huấn luyện viên trực tiếp dạy chúng tôi là anh Nguyễn Văn Tuấn, anh Hùng, Vũ Anh. Thầy căn dặn: “Nhờ có võ đường của chúng ta mà nhiều em nghèo khó được đến lớp học, được cơ hội gọi thầy, gọi bạn. Chúng ta, người biết nhiều dạy người biết ít, anh dạy em. Võ đường của chúng ta là trường học để mọi người cùng trưởng thành”.

Ba huấn luyện viên, ban đêm huấn luyện Karate, ban ngày làm thợ may ở chợ Vinh để mưu sinh. Những ai trong lớp khó khăn, cả lớp cùng nhau giúp đỡ. Tình cảm chúng tôi như anh em ruột thịt. Thầy không chỉ dạy võ mà dạy luôn cho học trò nghề may để kiếm sống sau này. Nhiều bạn khéo tay, may rất đẹp.

Thấy có một lớp võ Karate mới mở tại thành phố Vinh thì một số môn phái khác, có thể do những tay “anh chị” giật dây, muốn “dằn mặt” chúng tôi. Đêm ấy, những vị khách không mời kéo tới chừng dăm chục tên, đem theo cả hung khí “dọa san bằng võ đường Karate”. Thầy trò chúng tôi, không một tấc sắt, xếp hàng khoanh tay, hiên ngang đứng trước võ đường, để bảo vệ “ngôi nhà mới” của mình, nơi có tấm ảnh thờ sư tổ. Đám anh chị kia thấy thế, không dám manh động, từ từ rút lui.

Chúng tôi, khi đó đều còn là những chàng trai trẻ mười tám đôi mươi, mỗi người một cảnh, vốn chỉ quen nhau từ khi khoác trên mình chiếc đai trắng. Nhưng ý chí quyết tâm giữ gìn “võ đường là trường học” bỗng dưng đoàn kết nhất trí lạ lùng. Khát khao được học hỏi thật sự lớn trong tuổi trẻ của chúng tôi khi ấy.

Nghe tin võ sư Nguyễn Văn Dũng chuyển giao chức sư trưởng, trở về đeo đai trắng, rất nhiều võ sinh không khỏi luyến tiếc. Nhiều người lâu nay đã quen xem thầy như cha mình. Anh Nguyễn Văn Tuấn, huấn luyện viên của tôi năm ấy, khi lấy vợ sinh con đã xin phép thầy để đặt tên con trai mình theo tên của thầy, đặt tên con gái theo tên của vợ thầy và được thầy đồng ý!

Trò chuyện với tôi, về việc trở đeo đai trắng, võ sư Nguyễn Văn Dũng tâm sự rằng: “Người Việt mình bị cái bệnh háo danh - rất thích bằng cấp (văn và võ đều thế). Cái bệnh ấy thể hiện tinh thần không tự trọng, không biết xấu hổ. Bao nhiêu tệ nạn bắt nguồn từ đó”.

Tôi hiểu rằng người thầy võ sư đai trắng muốn gửi đi một thông điệp về việc con người ngày nay cần tránh hư danh, để không ngừng học thật, bằng cấp thật, để tìm kiếm tri thức mới và sức mạnh mới trong mỗi con người.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.