Thầy Huyên và 'giáo dục khai phóng'

Thầy Trần Đức Huyền (phải) và ông Lê Đình Hiền, chủ tịch trường Hoàng Việt.
Thầy Trần Đức Huyền (phải) và ông Lê Đình Hiền, chủ tịch trường Hoàng Việt.
TP - Một thầy giáo sau khi gặt hái được nhiều thành công đã tự nguyện rời đồng bằng lên Tây Nguyên, giúp giáo dục miền núi triển khai một mô hình đào tạo theo đúng tinh thần giáo dục khai phóng hiện đại. 

Sáng tạo và cống hiến suốt đời

Đó là thầy Trần Đức Huyên, nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Trong những năm công tác, ông đã đến hơn 20 nước, có điều kiện học tập và thực chứng các mô hình “giáo dục khai phóng”, áp dụng tinh thần ấy vào sự nghiệp giáo dục.  
Sinh năm 1957 tại Đà Lạt, thạc sĩ Toán học Trần Đức Huyên sở hữu bề dày thành tích đáng nể. Thời sinh viên, ông là thủ khoa đầu vào khóa I khoa Toán trường Đại học Sư phạm TPHCM. Năm 2006 ông nhận giải nhất cuộc thi “Innovative Teachers” (Nhà giáo sáng tạo) do Tập đoàn Microsoft tổ chức tại Việt Nam, với bài giảng điện tử trình bày cách dạy và cách tự học nhằm trả lời câu hỏi “Học xong để làm gì”.

Vào vòng thi Châu Á tại Hàn Quốc, ông trình bày đề tài “Lan tỏa phương pháp dạy học theo tinh thần giáo dục khai phóng (GDKP) cho đồng nghiệp”, đoạt giải nhì. Giải thưởng là chuyến đi Mỹ tham quan “Ngôi trường của tương lai” do Bill Gates đầu tư với mô hình hoạt động theo đúng tinh thần GDKP. 

Không chỉ tiên phong thành lập Câu lạc bộ Toán Lý Hóa trên mạng Internet,  thầy Trần Đức Huyên còn tham gia xây dựng và hoàn chỉnh website tư vấn giáo dục đầu tiên tại Việt Nam (www.netcenter.net.vnn.vn); trực tiếp đào tạo trên 100 học sinh đoạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, 5 học sinh đoạt giải thưởng quốc tế; chủ biên bộ sách học Toán bằng tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Đối với ông, những bằng khen đã nhận từ Thủ tướng, các bộ ngành, đơn vị đều là vinh dự, “nhưng điều quan trọng hơn là phải sáng tạo và cống hiến suốt đời”. 

Thế nào là “giáo dục khai phóng” ? 

Thầy Trần Đức Huyên nói đây không phải là thuật ngữ mới. Cụm từ “GDKP” đã có từ các triết gia Hi Lạp cổ đại. Nhưng chỉ khi nó được các trường học tiên tiến của châu Âu, châu Mỹ ủng hộ và sử dụng như một triết lý giáo dục, thì “Liberal Education” mới được cập nhật với đà phát triển của xã hội văn minh. 

GDKP đặt trọng tâm vào việc dạy con người biết sống theo lương tri, lẽ phải, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước và nhân loại, giàu kỹ năng sống. Nhờ đó, học sinh nhận thức sâu sắc học để trở thành người tự do, biết chung sống với mọi người và được là chính mình. GDKP có phần đối lập với khái niệm giáo dục kiến thức, vốn chú trọng dạy chữ để đạt bằng cấp, học vị cao.

“Từ nhỏ, chúng ta được cha mẹ, thầy cô dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”, hoặc “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, chính là mầm của GDKP. Tuy nhiên, mãi tới khi đã đứng trên bục giảng, tôi mới nhận ra mình dư chuyên môn mà thiếu sót rất nhiều về kĩ năng sống, và vẫn chưa trả lời thấu đáo được câu hỏi “Học để làm gì”. Thì ra câu trả lời đã có trong khái niệm GDKP”- thầy Huyên nói.  Làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ông có  điều kiện giao lưu với nhiều trường trên thế giới để mở rộng tầm nhìn, và đã ứng dụng GDKP vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết lập mối quan hệ  tốt đẹp hơn với cha mẹ học sinh, xây dựng các định hướng giáo dục trong công tác quản lý nhà trường. 

Không ít học trò cũ của thầy Huyên đã trở thành những nhân vật nổi tiếng. Trong đó có “Cô gái vàng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam”- Lê Diệp Kiều Trang, Cựu giám đốc Facebook Việt Nam- nay là Tổng giám đốc Go-Viet; TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM v.v... Nhưng hoa trái GDKP ngọt ngào nhất với vợ chồng thầy Huyên, chính là 2 cậu con trai sớm có những công trình nghiên cứu khoa học. 

Tài năng hướng về cội nguồn

Con trai đầu của thầy Huyên, anh Trần Đặng Minh Trí tức Dimitri Tran, là nhà sáng lập kiêm Giám đốc công ty Harison-AI tại Úc, là 1 trong 100 nhà khoa học được Thủ tướng mời về đóng góp kết nối trí tuệ Việt Nam.

Trí tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính-Kế toán, ĐH Bond (Úc), thạc sỹ quản trị kinh doanh cấp cao trường ĐH New South Wales (Úc), có chứng chỉ chuyên gia phân tích tài chính và đã hoàn tất chương trình Quản trị cấp cao tại ĐH Harvard (Mỹ).

Dimitri Tran nổi tiếng về phát triển các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực y tế. Anh là đồng sáng lập trung tâm Nghiên cứu cải thiện chăm sóc sức khỏe (CHIR- Center Healthcare and Improvement Research), chuyên hỗ trợ cộng đồng hơn 24 nghìn cán bộ nhân viên trong hệ thống bệnh viện tại Việt Nam.

Em trai của Trần Đặng Minh Trí là Trần Đặng Đình Áng, xuất sắc không kém. Năm 2013 Đình Áng tốt nghiệp với điểm cao nhất một trường trung học tại Úc. Chưa đầy 4 năm sau, anh phát minh công nghệ tối ưu hóa việc lựa chọn phôi thai IVF, được cấp 2 bằng sáng chế, cùng Minh Trí thành lập công ty Harrison.AI. 

Trò chuyện với Tiền Phong về việc nhận lời lên Tây Nguyên làm hiệu trưởng trường Hoàng Việt, trường phổ thông 3 cấp có hơn 2.000 học sinh, thầy Huyên cho biết điều khiến ông quyết định rời cuộc sống tiện nghi ở TPHCM lên cao nguyên, là niềm tin tại đây, ông có đủ điều kiện thực hành tốt nhất các phương pháp GDKP.

“Tôi bất ngờ khi thấy một ngôi trường non trẻ trên cao nguyên xác lập được ngay từ đầu hệ thống triết lý giáo dục rất rõ ràng, gồm 5 định hướng về đạo đức, trí tuệ, nghị lực, thể chất, kĩ năng sống. Đó chính là nền tảng giúp học sinh trở thành những người biết sống hài hòa, hạnh phúc, giàu lòng trắc ẩn, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Với sự tươi trẻ, tận tụy của đội ngũ cán bộ nhân viên, giáo viên, và đặc biệt với tâm huyết của ông Lê Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Hoàng Việt, chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng một mô hình GDKP đúng nghĩa đầu tiên trên cao nguyên này”, thầy Trần Đức Huyên

MỚI - NÓNG