Thầy giáo Việt có công trình trên tạp chí danh tiếng quốc tế

TS Ngô Tuấn Cường. Ảnh: NVCC.
TS Ngô Tuấn Cường. Ảnh: NVCC.
Công trình xác định cơ chế phát sáng của nguyên tử bạc, ứng dụng trong chiếu sáng, chụp ảnh và trị liệu vừa được tạp chí Science công bố.

Trong danh sách 13 tác giả có công trình được tờ Science (Khoa học) của Mỹ công bố ngày 17/8, TS Ngô Tuấn Cường (38 tuổi, giảng viên khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội) đứng thứ ba, sau hai nhà khoa học thuộc Đại học Leuven (Bỉ). Số còn lại đến từ các viện nghiên cứu/trường đại học của Bỉ, Pháp và Italia.

Nghiên cứu của nhóm tác giả về "sự phát quang của cụm nguyên tử bạc" có ý nghĩa cho việc lựa chọn vật liệu bạc, ứng dụng trong chiếu sáng, chụp ảnh và trị liệu.

Trong công trình này, TS Cường có công trong việc thực hiện các phương pháp tính mô phỏng để tối ưu hóa cấu trúc của vật liệu, tính các phổ hấp thụ ánh sáng và phổ phát xạ huỳnh quang. Mô phỏng này được TS Cường so sánh với kết quả thực nghiệm mà các đồng nghiệp nước ngoài đã nghiên cứu, từ đó khẳng định được cấu trúc chi tiết và các cơ chế phát xạ huỳnh quang của vật.

Chia sẻ với VnExpress, TS Cường cho biết anh rất vui khi công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí danh giá quốc tế. Kết quả này là động lực để anh tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu liên quan đến các vật liệu vàng, bạc và đồng.

Công trình trên được TS Cường thực hiện cùng các nhà khoa học quốc tế khi anh đang là nghiên cứu sinh cùng Nhóm hóa học lượng tử, Khoa Hóa học, Khoa học, Đại học Leuven (Bỉ).

Công trình khởi động từ năm 2011 và từ đó đến nay nhóm vẫn tiếp tục trao đổi và tính toán để có được kết quả cuối cùng.

Tiến sĩ Cường từng góp mặt trong 19 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và gần 20 công trình công bố trong nước. Anh cũng là tác giả một số cuốn sách về Hóa học Phổ thông.

Science là tạp chí khoa học của Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học (American Association for the Advancement of Science - AAAS) được coi là một trong những tập san khoa học có uy tín.

Tập san này có quá trình bình duyệt rất khắt khe với 90-95% bản thảo công trình nghiên cứu gửi tới bị từ chối sau quá trình phản biện.

Hệ số ảnh hưởng (impact factor, IF) của Science vào năm 2014 là 33,611 (theo thống kê của Thomson ISI).

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG