Thấy gì từ hơn 100 người được phong nghệ sĩ nhân dân?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tổng cộng 119 cá nhân có tên trong hai quyết định phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân lần thứ 10. Lĩnh vực sân khấu có số lượng nghệ sĩ được phong tặng lớn nhất (hơn 60), lĩnh vực âm nhạc có thêm hơn 40 Nghệ sĩ nhân dân. Cũng như những kỳ xét tặng trước, một số gương mặt quen thuộc “trượt” danh hiệu.

Hai lĩnh vực áp đảo

Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11 và Quyết định 724/QĐ-CTN ký ngày 22/6, có 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10. Trong đó, sân khấu và âm nhạc áp đảo về số lượng nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND.

Thấy gì từ hơn 100 người được phong nghệ sĩ nhân dân? ảnh 1

Nhiều gương mặt nổi bật được phong tặng danh hiệu NSND

Danh sách đầu tiên được công bố bao gồm 77 nghệ sĩ nhân dân trong đó có các nghệ sĩ như NSƯT Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Bùi Công Duy, Đức Trung, Trung Đức, Trần Đức, Khương Đức Thuận, Thu Huyền, Ngọc Huyền, Hương Dung... Danh sách phong tặng NSND đợt 2 do Chủ tịch nước ký và thông qua ngày 28/11 bao gồm 42 nghệ sĩ, nhiều cái tên thân quen như NSƯT Thanh Lam, Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Đạt Tăng, Tấn Minh…

NSƯT Đức Trung là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND đợt này, ở ngưỡng 84 tuổi. NSƯT Lê Đức Trung sinh năm 1939, trước khi đến với sân khấu ông từng là một người lính. Ông có 20 năm làm việc trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn. Ông là một trong những diễn viên gạo cội hoạt động tại Nhà hát Tuổi trẻ thời kỳ đầu tiên.

Trên sân khấu, ông luôn được giao những vai chính diện, có sự chỉn chu, đĩnh đạc, đặc biệt là nhiệm vụ thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. NSƯT Lê Đức Trung có ba lần thể hiện hình tượng Bác Hồ ở ba thể loại khác nhau: kịch nói (vở Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (vở Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than).

Sân khấu kịch dịp này cũng đón thêm nhiều NSND như Xuân Bắc, Tạ Tuấn Minh, Hoàng Lâm Tùng - ba gương mặt thành danh ở Nhà hát Kịch Việt Nam. NSƯT Quốc Khánh sau khi nghỉ chế độ năm 2022 ở Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận được danh hiệu cao quý cùng đồng nghiệp.

Đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 10 cũng đem đến tin vui đặc biệt cho gia đình NSƯT Tấn Minh và NSƯT Thu Huyền. Cặp sao kết hôn năm 2004, đều giữ chức giám đốc ở hai nhà hát và cùng nhận danh hiệu NSND. NSƯT Thu Huyền sinh năm 1975 tại Hà Nội, trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật. Chị được nhiều khán giả nhắc đến với biệt danh “Thị Mầu” hay “Huyền chèo”.

Ngoài vai Thị Mầu, NSƯT Thu Huyền thành công với nhiều vai diễn khác như Thị Phương trong Trương Viên, cô Son trong vở chèo cùng tên, Súy Vân trong Súy Vân giả dại, Hoạn Thư trong Kiều, nàng Sita trong vở cùng tên, Thuyến trong Điều còn lại...

Năm 32 tuổi, Thu Huyền được đặc cách phong tặng danh hiệu NSƯT dù mới chỉ trải qua 13 năm tuổi nghề. Chị cũng là một trong những nữ nghệ sĩ được phong NSƯT trẻ nhất Việt Nam.

NSƯT Tấn Minh tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, được yêu mến nhờ giọng hát ngọt ngào, trầm ấm. Tên tuổi anh gắn liền với các ca khúc như: Bức thư tình đầu tiên, Phượng Hồng, Mối tình đầu, Em và tôi, Em ơi Hà Nội phố... Chặng đường nghệ thuật hàng chục năm giúp Tấn Minh trở thành giọng ca đa sắc màu. Anh có thể biến hóa từ pop ballad, bolsa, acapella... đến dân gian đương đại.

Trong làng nhạc, NSƯT Phạm Phương Thảo là nghệ sĩ trẻ nhất nhận danh hiệu NSND. Phạm Phương Thảo sinh năm 1982 tại Nghệ An. Tham gia chương trình Tiếng hát truyền hình Sao Mai 2003, giành giải Ba dòng nhạc Dân gian và giải Ca sĩ được yêu thích nhất là bước ngoặt với Phạm Phương Thảo. Tên tuổi của giọng ca xứ Nghệ gắn với những ca khúc trữ tình bất hủ như Gần lắm Trường Sa, Ai vô xứ Nghệ, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Giận mà thương, Hết giận rồi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ…​​​​​

Người thầy của Phạm Phương Thảo là NSƯT Hà Thủy cũng nhận danh hiệu NSND trong đợt xét tặng này. So với gia tài nghệ thuật đồ sộ, danh hiệu đến với bà hơi muộn, nhưng nghệ sĩ U70 vẫn hạnh phúc và vinh dự.

“Giá như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) bổ sung luật sớm hơn, cho các NSƯT khi chuyển sang làm giảng viên dạy nghệ thuật đạt nhiều thành tích cao, đào tạo được nhiều học sinh ưu tú, đạt giải cao trong các cuộc thi vẫn được xét NSND sớm hơn, như thế tôi và các đồng nghiệp không phải chờ đợi lâu như vậy”, NSƯT Hà Thủy tâm sự với Tiền Phong.

NSƯT Thanh Lam là trường hợp có tên trong quyết định xét tặng bổ sung. Trước đó, Quyết định 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước ký ngày 22/6 không có tên NSƯT Thanh Lam. Sau khi nhận tin vui vào phút chót, diva gửi lời tri ân sự vinh danh của Nhà nước, đồng nghiệp và tình cảm của khán giả dành cho chị suốt mấy chục năm đam mê ca hát.

Lĩnh vực múa đóng góp số NSND khiêm tốn hơn, gồm các NSƯT Trần Ly Ly, Đỗ Văn Hiền, Bùi Xuân Hanh. Trong đó, NSƯT Trần Ly Ly là tên tuổi nổi bật ở làng múa Việt Nam hiện nay. Chị bắt đầu học múa chuyên nghiệp khi mới 10 tuổi và giành nhiều giải thưởng tài năng múa trẻ toàn quốc vào các năm 1992, 1994.

Hàng loạt tác phẩm múa của Trần Ly Ly ra đời sau thời gian chị tu nghiệp ở nước ngoài, gây tiếng vang trong công luận như One day, Zen, 7X, Yes yes no no...

Cuối năm 2018, NSƯT Trần Ly Ly rời vị trí Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM để ra Hà Nội đảm nhận vai trò quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chị trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong 60 năm lịch sử của Nhà hát. Hiện nay, NSƯT Trần Ly Ly giữ vị trí quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL).

Sóng gió danh hiệu

Những lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đều khó tránh những ồn ào. Dịp này, vụ việc NSƯT Đỗ Kỷ trượt xét tặng danh hiệu với lý do có đơn thư tố cáo gửi đến Bộ Công an khiến phần đông khán giả bất ngờ.

Sau văn bản thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Đỗ Kỷ gửi nhiều đơn thư “cứu xét” lên các ban, bộ, ngành liên quan. Ông mong muốn được giải đáp rõ ràng, cụ thể ai là người đứng đơn thư tố cáo, nội dung đơn thư là gì… tuy nhiên chưa được hồi đáp.

Thấy gì từ hơn 100 người được phong nghệ sĩ nhân dân? ảnh 2

Phạm Phương Thảo và Bùi Công Duy là hai nghệ sĩ trẻ thuộc lĩnh vực âm nhạc được trao tặng danh hiệu NSND

Một số NSƯT nổi tiếng như Chí Trung, Quang Tèo (Tiến Quang)… chưa có tên trong hai danh sách được phong tặng cũng khiến dư luận thắc mắc. Hai nghệ sĩ xiếc tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp cũng vắng mặt trong đợt xét duyệt danh hiệu NSND. NSƯT Thanh Thanh Hiền từng gây bão dư luận khi không có đủ số phiếu bầu từ cấp cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND.

Đầu năm 2021, NSƯT Kim Tử Long hoàn tất hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lên Hội đồng cấp cơ sở là Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. Tuy nhiên, sau đó anh không có tên trong danh sách các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND do Hội đồng cấp thành phố đề xuất lên Hội đồng cấp Bộ khiến NSƯT Kim Tử Long bức xúc.

NSƯT Kim Tử Long cho biết, anh đã nhiều lần gửi đơn lên Sở VHTT TPHCM nhưng nhận về phản hồi khó hiểu: “Khi tôi đặt câu hỏi vì lý do gì hồ sơ không được chấp nhận, phía Sở gửi cho tôi hai văn bản với nội dung: Do hội đồng cơ sở không xét duyệt. Họ không cho biết nguyên nhân. Câu trả lời này khiến tôi bức xúc, không hiểu lý do mình bị đánh trượt là do đâu. Nếu tôi sai hay lầm lỗi, hãy cho tôi biết để còn sửa chữa kịp thời”, nghệ sĩ nói. Kim Tử Long cho biết đây không phải lần đầu tiên rớt xét duyệt.

Thực tế, quá trình xét tặng danh hiệu thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình, bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích. Mặt khác, Bộ VHTTDL cũng cho biết, về quy trình, thủ tục xét tặng sẽ điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Từ những lý do nêu trên, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu, việc xây dựng Nghị định mới là cần thiết.

MỚI - NÓNG