Ông Dương Trí Thành là lãnh đạo cấp cao thứ 2 của Vietnam Airlines được bầu vào vị trí trên, sau Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh. “Ê-kíp” mới của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam còn gồm BCH 25 thành viên, 3 Phó chủ tịch là các ông Lâm Quang Thành, Lê Trường Giang và Nguyễn Hải Đường. Trong số này, ông Lâm Quang Thành từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, có uy tín trong giới thể thao. Ông Nguyễn Hải Đường là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục TDTT), phụ trách chuyên môn Liên đoàn đua thuyền kiêm TTK.
Trong những năm qua, phong trào đua thuyền đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, đạt được nhiều thành tích cao dù vẫn còn những điểm chưa tốt.
Cụ thể ở đây là 28 tỉnh, thành với 630 VĐV các tuyến. Môn đua thuyền đã có 179 Huy chương, trong đó có 73 HCV, đáng kể nhất là 9 HCV SEA Games, 1 HCV Cúp Canoeing thế giới, 2 thuyền vượt qua vòng loại Olympic Rio de Janeiro 2016.
Người trong giới nói vui, đua thuyền có lãnh đạo ngành hàng không nên đang “bay” rất cao. Nhìn cảnh đại hội đua thuyền diễn ra trong không khí đông vui lại không khỏi nghĩ tới tình cảnh hiện nay của LĐBĐVN (VFF) trước thềm đại hội 8.
Để tranh giành chiếc ghế chủ tịch do ông Lê Hùng Dũng để lại, những người liên quan đã không ngại mọi chiêu trò “tấn công” nhau suốt một năm vừa qua, gây nên tình trạng mất đoàn kết sâu sắc. Nội bộ lục đục ở VFF lộ rõ đến độ không giấu được ai, nhưng khi bị chất vấn, lãnh đạo VFF lại khẳng định chỉ “chưa đoàn kết cao”. Rốt cuộc đến gần đây thì mọi chuyên được tung hê ra, những người trong nhà đã không còn thể nhìn mặt nhau, thay vì cảnh “bằng mặt, không bằng lòng” như trước.
Ông Trần Quốc Tuấn, ứng viên được nhiều CLB tín nhiệm nhất nhờ kinh nghiệm quản lý, làm bóng đá lâu năm trở thành nạn nhân của cuộc đua tranh ghế chủ tịch VFF khi liên tục bị một nhóm người có sự cấu kết, tương tác với nhau sử dụng chiêu trò cả hậu trường lẫn trên truyền thông để công kích, làm mất uy tín. Trong số này có cả cựu quan chức bóng đá dính tiêu cực, kẻ phải rời VFF vì làm việc không hiệu quả hay cả những người núp bóng truyền thông “vì bóng đá”. Chính vì vậy, nhiều thông tin mang tính chất bôi nhọ, thiếu xây dựng hoặc sai trái so với sự thực. Đơn cử như trường hợp quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ VFF Nguyễn Văn Chương, sau khi bị cho nghỉ đã kiện ra toà án, đề nghị huỷ quyết định buộc thôi việc của VFF. Phiên toà phúc thẩm Hà Nội hồi tháng 9/2017 đã bác yêu cầu trên nhưng xét trong quá trình làm việc, ông Chương từng kiêm chức Phó chủ tịch công đoàn VFF khoá V nên đã yêu cầu VFF hỗ trợ 9 tháng tiền lương, tương đương 99 triệu đồng. Phán quyết của toà rất rõ ràng nhưng có nơi vẫn tuyên truyền VFF làm sai, lấy đó làm cớ để tấn công lãnh đạo VFF đương nhiệm.
Giới trong cuộc rất lo lắng bởi nếu chủ tịch VFF là một người sử dụng chiêu trò “đánh dưới thắt lưng” người khác để đoạt chức thì chưa nói năng lực lãnh đạo, chuyên môn, phẩm chất đạo đức là vấn đề rất cần xem xét. Trong bối cảnh trên, ngành thể thao có vẻ như lại chưa thể hiện được thái độ quyết liệt, có trách nhiệm đối với các ứng viên là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của ngành. Cụ thể, tới thời điểm hiện tại Bộ VH-TT&DL không đưa ra được quan điểm chính thức nào đối với các ứng viên là cán bộ trong diện quản lý.
Nhìn qua danh sách ứng viên lãnh đạo chủ chốt VFF kỳ này, các vị trí từ chủ tịch tới phó chủ tịch đều không có nhân vật nào thực sự nổi bật. Đây có lẽ cũng là lý do khiến cho cuộc đua càng trở nên căng thẳng, và thay vì tập trung thể hiện bản lĩnh để thuyết phục số đông, những người nhiều tham vọng sử dụng chiến thuật “đánh” sau lưng nhau. Bóng đá Việt Nam vừa nhen nhóm hy vọng phát triển lại rơi vào tình trạng tan tác hiện nay, thực sự là chuyện đáng buồn.