Thấy gì trong 'Ảo ảnh'?

Hai anh em song sinh Thanh - Hải đang đồng sáng tạo trên một tác phẩm. Ảnh: NVCC
Hai anh em song sinh Thanh - Hải đang đồng sáng tạo trên một tác phẩm. Ảnh: NVCC
TP - Tôi tự hỏi khi anh em họa sĩ Thanh - Hải nhà họ Lê chọn "Ảo ảnh" chứ không phải “ảo giác”, dù cùng một chữ illusion dịch ra, để đặt tên cho triển lãm nghệ thuật của mình. Ảo ảnh dành cho khách thể, ảo giác nội thể, trực thể hơn, dù một mà hai, cùng song ngộ? 

Vạn vật có hữu linh không tùy thuộc vào bạn. Tôi thấy vạn vật trong tranh và gốm của anh em nhà này như những thực thể, sinh thể rối bời, lộn xộn vừa vặn xoắn lấy nhau, che lấp nhau, lại vừa rời rã. Đó là tàn vết chiến tranh, là sự phân ly đời sống hiện đại. Và bao trùm là sợi dây kết nối những thân phận, những mảng khối văn hóa tách rời...

Như chính cặp anh em song sinh Thanh - Hải, sinh ra cùng trong một bào thai của mẹ vào đúng năm đất nước liền một dải, nhưng họ vừa là một, vừa là hai, vừa là rất nhiều. Tôi tự hỏi khi hai người ấy với hai cây cọ cùng khởi đầu vẽ lên một mặt tranh, họ nghĩ gì, mỗi người lang thang tới một cõi nào của trí tưởng?

Không phải chỉ những màn trình diễn, sắp đặt, ý niệm, video art mà họ đã thực hành khắp nơi ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, có kịch bản về động tác, cơ thể, gương mặt, tương tác ngoại cảnh, kỹ thuật đa phương tiện,... mới là nghệ thuật đương đại. Mà chính ngay quá trình hai cá thể song sinh cùng vẽ lên một bức tranh, thì riêng hành vi ấy, với tôi đã là một màn thực hành nghệ thuật đương đại độc đáo. 

Khởi đi từ hai phía của một mặt tranh lớn trống rỗng, từ những nhát cọ đầu tiên, tôi mường tượng anh em song sinh nhà họ Lê đang đi trên những bước thời gian khác nhau, trong một cái gọi là “trực thể thời gian”. Đó là khi những “khả thể” ấy diễn trình chuyển động của vạn vật và chính mình trong ảo ảnh/ảo giác, mà đầu tiên là ảo ảnh thời gian. Họ như từng cá thể đến từ hai thời đại khác nhau, tồn tại trên hai/nhiều chiều thời gian khác nhau, có thể trôi lướt qua nhau, hoặc cũng có thể không bao giờ “gặp” nhau. 

Thì chính anh em họ đã thừa nhận trong lời đề từ của dự án nghệ thuật/triển lãm này. Rằng đây không bị bó buộc bởi thao tác cơ học trên cơ sở vật chất (hội họa hay gốm). Mà “Ảo ảnh” cho thấy một diễn trình của tư duy với những tranh cãi, ẩn ức, truy vấn, phản tư của hai cá nhân phản chiếu qua lại lẫn nhau, và nghệ thuật là kết quả cuối cùng”.

Liên tưởng tới “công xưởng nghệ thuật” ở Nhật, ở Mỹ của họa sĩ hiện đại Takashi Murakami. Nơi đó, các “họa sĩ trợ lý” quần quật làm việc bên những bức tranh khổng lồ, mỗi người một công đoạn. Như thi công một công trường. Murakami vẫn công nhận rằng tác phẩm của mình là công trình tập thể (tên của hàng chục họa sĩ trợ lý vẫn được ghi phía sau những bức tranh khổng lồ), nhưng chính ông mới là tác giả duy nhất! (Theo Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật, Sarah Thornton, Nguyễn Như Huy dịch). Vậy là ý chí sáng tạo ở trường hợp này vẫn là đơn nhất.

Tôi thấy trong mỗi tác phẩm của anh em họ Lê những ký hiệu, hình họa ngổn ngang tồn tại riêng như những sinh thể dị biệt, vừa trong mối liên hệ đan cài, chồng chéo, mà vẫn không cho cảm giác bị loạn nhịp.

Vạn vật trong ảo ảnh. Những bầu rượu hay là quả chùy? Ngọn bút hay lưỡi kiếm? Họng súng, đốc gươm hay là cuống hoa? Những cánh hoa đơn độc hay viên đạn vừa bung nở trên đà bay tới đích? Hàm cá mập hay là sóng não con người?... Suy tưởng quen thuộc của chúng ta thường đưa ra những phân cực kiểu ấy. Nhưng có lẽ không phải vậy, bởi nội thức của bạn chắc chắn không phải là của tôi.  

Thấy gì trong 'Ảo ảnh'? ảnh 1
Thấy gì trong 'Ảo ảnh'? ảnh 2 Một số tác phẩm tại triển lãm Ảo ảnh Ảnh: NVCC
Vạn vật ấy vẫn dịch chuyển trước thị giác và tâm thức đột ngột của mỗi người thưởng ngoạn. Ở đây chỉnh thể nghệ thuật đã đạt đến hiệu ứng đáng kể. Bố cục này, nói như Kandinsky (1866-1944, cha đẻ của những quy tắc hội họa trừu tượng thuần túy, và trào lưu Biểu hiện), đó là “giao hưởng” (symphonic) phức hợp, chứ không phải là những “giai điệu” (melodic) rời rạc.

Đó phù hợp với lý giải của cặp nghệ sĩ dị biệt này, trong rất nhiều thực nghiệm nghệ thuật mà họ theo đuổi suốt hơn hai thập kỷ qua. Rằng “Tính liên tục của ý tưởng được phát triển theo cách đối chọi tương hỗ của biện luận theo cách thức riêng biệt..., không chỉ dừng ở loạt sáng tác này, mà còn đem đến những khả thể chuyển tiếp sang nhiều cách thức thể hiện khác cả ở vật chất và ý niệm, để tạo ra những tổ hợp nhiều tầng lớp hơn về khung cảnh và ánh sáng, bạo lực và thịnh thế, ý niệm lẩn khuất và hình hài mờ nhạt, quá khứ phù hoa và thực tại điêu tàn”.

Triển lãm “Ảo ảnh” (Illusion) do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (thành phố Huế) từ ngày 28/11 đến ngày 6/12/2020. Triển lãm gồm 19 bức tranh và 4 chum gốm lớn được xử lý bằng các kỹ thuật sơn mài tổng hợp tạo ra hiệu quả thị giác bất thường. Đây là dự án nghệ thuật mới nhất của hai anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải (1975), sau hàng trăm triển lãm, sắp đặt, trình diễn nghệ thuật riêng và chung tại Việt Nam và nước ngoài suốt hơn 20 năm qua. 

MỚI - NÓNG
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS
TPO - Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ giải quyết theo hướng dừng hợp tác sử dụng các dịch vụ của Trung tâm đối với Công ty TNHH du học định cư DSS từ ngày 15/10/2024. Trong khi đó, đại diện Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, "DSS cũng không còn hoạt động tại trường nữa...".