> Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Áp lực cải cách đang ngày càng gia tăng đối với các DN và Chính phủ. Ảnh: Đại Dương. |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ đem lại nhiều cơ hội. Đó là tạo cơ hội làm sống động thị trường chứng khoán, thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động mua bán, cổ phần hóa DN.
Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành (khoảng 20.000 tỷ đồng) trước năm 2015 và việc cổ phần hóa DNNN (bao gồm các tập đoàn, ngân hàng thương mại…) được đẩy mạnh, tạo cú hích cho thị trường tài chính. Tín dụng bất động sản được nới lỏng có chọn lọc, có điều kiện nhằm khai thông từng bước thị trường.
Theo ông, Nhà nước không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa kinh doanh vừa quản lý, vừa sở hữu lại vừa giám sát, vừa ôm đồm những việc sự vụ vất vả. Nhà nước phải tổ chức tốt chức năng hoạt động nền kinh tế, lái thuyền chứ không thể vừa chèo vừa lái, có khi ham chèo bỏ lái. Quyền lực nhà nước phải được giám sát công khai minh bạch. Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình trước dân thì công cuộc tái cơ cấu kinh kế mới đạt được tiến bộ mong muốn.
Ông Doanh cũng đề nghị một giải pháp cải cách tổng thể để kết nối cả ba lĩnh vực tái cấu trúc (ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước) đó là tái cấu trúc bộ máy Nhà nước và Chính phủ.
Chủ hãng cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để Việt Nam tư duy lại cả về mặt thể chế, chiến lược đến những lợi thế… của mình. “Nếu tư duy lại và đặt ra chiến lược mới thích hợp thì riêng trong lĩnh vực cà phê Việt Nam không chỉ doanh thu xuất khẩu 2 tỷ USD mà là 20 tỷ USD/năm”- ông Vũ nói.
Lạc quan có điều kiện
Mặc dù nền kinh tế đang ảm đạm, song tinh thần lạc quan thể hiện ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, ngay cả ở bất động sản và chứng khoán.
Ông Lương Trí Thìn-Chủ tịch tập đoàn địa ốc Đất Xanh, nhìn nhận năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn nhưng là năm bản lề (giữa hai chu kỳ suy thoái) của thị trường địa ốc và tiềm ẩn nhiều cơ hội kinh doanh. “Đây là thời điểm rất tốt để nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà bởi giá thị trường xuống mức thấp, có nhiều lựa chọn” - ông Thìn nói.
Theo ông, điều quan trọng là phải biết nắm bắt thời cơ và xu thế. Sẽ có 3 sự dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng trong năm 2012, đó là những người trung niên và lớn luổi đầu tư ra vùng ngoại ô với những căn biệt thự vườn rộng; những gia đình trẻ chú trọng đến căn hộ cao cấp hơn và nhiều tiện ích; số còn lại có xu hướng đầu tư căn hộ cho thuê.
Từ những bài học thực tế bản thân, chuyên gia tài chính và đầu tư quốc tế David Jensen cho rằng có rất nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán bởi sự khởi sắc của nhiều DN niêm yết. Tuy nhiên David Jensen có 3 lời khuyên: một là để không mất tiền thì không đầu cơ mà hãy đầu tư; hai là giảm chi phí đầu tư bằng việc không giao dịch thường xuyên và tránh ký quỹ vì khó bảo toàn vốn; ba là đầu tư phải có kế hoạch và tuân thủ kỷ luật đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng-Kinh tế trưởng HSC, Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư khi đang trong xu hướng giảm lạm phát, lãi suất giảm giúp DN dễ tiếp cận vốn hơn, đặc biệt DN bất động sản. Khi tiền tệ được thắt chặt, các yếu tố đầu cơ bị triệt tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn chân chính và tạo ra giá trị. Giá cổ phiếu đang ở mức thấp tương đối tạo cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn.
Giá bất động sản tiếp tục có xu hướng giảm tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu thực mua. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đó là những cơ hội có điều kiện và “niềm tin” là liều thuốc quan trọng nhất. Điều này phải được củng cố trên nhiều phương diện, đó là Nhà nước phải đảm bảo ổn định môi trường vĩ mô trong dài hạn, nhất quán trong điều hành chính sách.
Lành mạnh hóa môi trường đầu tư, giải quyết vấn đề sở hữu chéo (giữa các ngân hàng và các tập đoàn kinh tế), cải thiện về quản trị DN và cải cách thị trường chứng khoán theo hướng bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ le.