Thầy Chương thời thương mến

PGS Mai Cao Chương với các học trò
PGS Mai Cao Chương với các học trò
TP - Cái tin buồn Phó giáo sư, nhà giáo ưu tú Mai Cao Chương - Trưởng Khoa Ngữ văn đầu tiên (nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa về cõi ở tuổi 90 đã lan khắp trong hàng ngàn thế hệ học trò.

Và không ít trong số đó, những nhà nghiên cứu mang học hàm TS, PGS từng được thầy Chương kèm cặp hướng dẫn đã ít nhiều chịu ơn người thầy đã từng gây dựng nên thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành văn học, ngôn ngữ và báo chí tại khu vực Nam bộ và trong cả nước.

Tâm trí tôi đang ngược về những ngày sau tết Sửu 1973, nhóm sinh viên khoa Văn khóa 17 gần 30 cô cậu đùm túm nhau trong toa tàu chật chội tuyến Hà Nội - Lào Cai. Ấy là lớp đi sưu tầm văn học dân gian miền núi Tây Bắc do thầy Mai Cao Chương, giáo viên Tổ Cổ Cận Dân (Văn học cổ, cận đại và dân gian) của Khoa Văn ĐHTH phụ trách.

Bây giờ những hoạt động tập cho sinh viên bập vào nghiên cứu khoa học là sự thường. Nhưng hồi ấy đã biết vượt thoát, len lỏi qua những gian khó nhiêu khê thời bao cấp quả là công sức đáng ghi nhận của thầy trò khoa Văn những năm đầu 70 ấy!

Đến Lào Cai, cả bọn lên cái xe khách dài thượt thuê từ trước. Xe lắc lư qua các địa danh xa lạ Tam Đường, Phong Thổ, Pa Tần, Bình Lư… rồi đỗ ở thị xã Mường Lay của Lai Châu. Cái đích đến của cả đoàn là hai xã Sam Mứn và Noong Het của Điện Biên. Coi sóc cai quản cái đám sinh viên thau tháu ăn chưa no lo chưa tới nghịch quá quỷ. Gánh nặng ấy tất tật dồn lên vai thày Chương. May mà đến Lao Cai có thêm thầy Vĩnh, còn có tên là Plalikamak người dân tộc Châu Ro hay Mạ người Tây Nguyên dạy môn Văn học dân gian Tây Nguyên phụ giúp chuyến đi với thầy Chương.

Đến được Điện Biên, hình như thày Chương có mối quen biết gì đó nên đã tổ chức cho cả đoàn thầy trò được thăm quan chiến trường Điện Biên Phủ. Mới gần hai mươi năm, chiến trường xưa ấy ký ức đậm đến giờ là còn đang hào hố ngổn ngang. Có đứa còn moi được cả mảnh vải dù và vốc cát tút đạn be bé đem về làm kỷ niệm.

Rồi bao lạ lẫm ngỡ ngàng cũng qua. Hơn 30 cô cậu sinh viên rải khắp các bản của hai xã Sam Mứn và Noong Het hơn một tháng giời ăn nghỉ cùng bà con dân tộc Thái. Thày Chương, thầy Vĩnh cùng Ban cán sự lớp tất tả việc hướng dẫn cho chúng tôi ghi chép  bằng tay, cả chụp ảnh và cả tập ghi âm trên chiếc máy kềnh càng của thầy Vĩnh (tài sản đáng giá khi ấy) những điệu hát đám cưới, đám tang, lễ ăn hỏi, lễ mừng nhà mới, lúa mới, cơm mới… của bà con dân tộc Thái đen, Thái trắng.

Hơn một tháng trời qua nhanh. Thày trò rời Điện Biên trở lại lộ trình về Khoa Văn Hà Nội như lúc đi. Chuyến thực tế điền dã ấy hơn nửa thế kỷ đã qua mà thế hệ chúng tôi mỗi khi nhắc lại mà chửa vợi vơi những thương mến bồi hồi.

Chặng xa, xe xấu, đường xóc… Nhưng thầy Chương không ngồi ghế trên cho bớt cực mà cứ thu lu ở cuối xe với mấy thằng chúng tôi. Ý chừng thầy muốn để mắt đến cả bọn cùng an toàn của cả chuyến xe? Vậy nên những câu chuyện không đầu không cuối suốt cả chặng đi về tự dưng thành mối kết nối thân gần giữa mấy thầy trò. Thầy Chương người tầm thước, khi ấy cũng chỉ độ bốn mươi. Thêm gần vì thầy bật mí là vợ thầy vùng Vĩnh Yên ngoại thành nhà Hồ cách nhà tôi chỉ mấy cây số… Thầy quê ở Bình Định. Tập kết ra Bắc mới lấy vợ. Các con còn nhỏ. Thầy cười là cũng do di diền dã vùng Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc mấy đợt thì mới có duyên làm rể Vĩnh Lộc! Khi ấy mới được biết thầy học Khoa Văn sau được giữ làm cán bộ giảng dạy.

Vẻ lặng lẽ đôi lúc xù xì thô ráp… Bề ngoài của thầy Chương khó khuôn hết tính cách nhiệt thành chu tất và tình cảm. Đối diện khu tập thể ký túc của tôi là khu dành riêng cho các cán bộ giảng dạy. Thầy Chương ở gác 4 cùng với thày Bùi Duy Tân, một chuyên gia cộm cán về văn học cổ. Sau chuyến đi thực tế Tây Bắc, tôi thi thoảng ghé chỗ thầy Chương như một sự tự nhiên có chút tí ty… đồng hương nữa.

Thầy Chương cùng thầy Tân lại đều có giờ văn học cổ ở Lớp Văn khóa 17. Bây giờ thảng hoặc những đôi hồi lẫn bồi hồi ký ức, tôi mạo muội coi những ngày thi thoảng chợt ghé chỗ thầy Mai Cao Chương, thầy Bùi Duy Tân là những thời khắc may mắn? Bởi những đường đột cùng rỉ rả như một thứ vô thức lẫn ý thức khi thì tình thầy trò lại cả anh em nữa đã bừng thức lóe rạng và củng cố trong tôi cậu học sinh nhà quê cái niềm say mê thứ văn học cổ mà chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà các thầy đã gieo nhân rắc mầm!

Phải có thứ chi như trên cả sự tự tin thì tôi mới vanh vách làu thuộc những bài thơ của các đấng Vạn Hạnh Thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trung Ngạn… khi chỉ riêng ngồi với các thầy? Và phải có thứ niềm tin gì đó, thì tôi mới mạo muội đưa thầy Chương coi mấy cuốn sổ giấy bản bìa cậy ông thân tôi ghép những chương đoạn của sách học Mạnh Tử. Thầy Chương, thầy Tân lấy tay di từng đoạn, chăm chú và các khuyên son, chỗ chữa, cười, nửa đùa nửa thật, cậu cố mà giữ lấy cái nếp nhà này nhé. Cố tập lấy cái nét chữ của cụ nhà mai kia chẳng may có lỡ vận cũng biết viết sớ mà kiếm ăn!

Tất nhiên sở học lỗ mỗ cùng sự thiếu khuyết kiến thức căn bản nên tôi chỉ dừng lại cái mức đam mê vừa vừa. Những hối tiếc cùng bâng khuâng giá như thời gian dừng lại và lùi lại, những chiều buông rảnh rỗi ấy được đam mê được riết róng và cả chút táo tợn nữa mỗi khi được hầu chuyện hai thầy! Chao ôi kiếm đâu ra tầm đâu ra hai ông đồ, hai vị túc nho, người thì ở thành Bình Định khăn gói ra Bắc. Một vị thì đã từng căn bản, căn cốt ở Thành Nam Định ra. Hai đấng ấy đâu có chi hồ dã da máy móc nhớ ghi này khác. Thầy Chương đã truyền lửa đã vỡ vạc đã giải mã cho lớp cho lứa chúng tôi cái bất biến, nhân văn của Trường phái Thiền Phái Trúc Lâm qua những vần thơ giản dị của Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.

Xóm trước thôn sau tựa khói lồng/ Bóng chiều như có lại như không/ Theo hồi kèn mục trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Hay.

Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phất phới sấn hoa bay.

Còn thầy Bùi Duy Tân, vẫn nguyên đó một khối tư tưởng minh triết, xoắn bện chả dễ cởi. Thầy về cõi lâu nhưng còn đó một bản lĩnh học thuật vững vàng, luôn thận trọng đặt lại vấn đề đối với những xác tín đã trở thành hiển nhiên không chỉ trong giới nghiên cứu hay cả cộng đồng mà còn của chính bản thân ông. Một trong những ví dụ tiêu biểu là vấn đề tác giả của bài thơ nổi tiếng mà chúng ta thường gọi là Nam quốc sơn hà.

Dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư và các tư liệu của các đồng nghiệp khác, ông đã quyết liệt viết một chùm bài lên tiếng đính chính tác giả của bài thơ này là Vô danh thị chứ không phải Lý Thường Kiệt như phần lớn chúng ta quen nghĩ!  Thầy cũng là một trong những người đã cố gắng đính chính một lỗi dịch sai suốt mấy chục năm mà chúng ta vô cùng tâm đắc: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” được dịch sai là “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”. Cách dịch sai này tuy rất được lòng số đông vì như môt lời minh oan cho Nguyễn Trãi, nhưng lại là một cách ví von không quen thuộc và không có ý nghĩa trong thời trung đại. Cách dịch đúng mà thầy Bùi Duy Tân từng hào sảng trong các trước tác của thầy là “Lòng Ức Trai rạng tỏa
văn chương”.

Biết ơn hai thầy đã dẫn dắt để kẻ này có được khóa luận cùng luận văn về đề tài văn học cổ. Và cũng chỉ có cái duyên mọn được GS Nguyễn Lộc hướng dẫn và GS Bùi Duy Tân phản biện. Và cũng chỉ vậy thôi. Sau này bập vô nghề báo hình như chữ thầy đã giả thầy cả?

… Tháng 6 năm nay ghé Sài thành, mải mốt hối thêm các đồng khoa Khóa 17 những Trần Ngọc Hồng, Nguyễn Thông thực thi ý định bao lần lỡ dở là đến thăm các thầy Mai Cao Chương, Nguyễn Lộc. Có cái thuận là nhị vị đây từng dạy học và có biết chút nơi cư ngụ của hai thầy. Căng chật một buổi rồi chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Nhưng ngậm ngùi cái nỗi, GS Nguyễn Lộc uyên bác duyên dáng ngày nào nay tuổi tác tật bệnh đã thoắt biến ông thầy chúng tôi thành người xứ vô minh! Nhưng may mắn là Tạo hóa không liêu (đùa) mà lưu nhân! Bằng cớ là phu nhân thầy, nhà thơ Ý Nhi hình như có khả năng phiên dịch và đọc hộ được các ý nghĩ của thầy hay sao ấy mà buổi gặp trở nên sinh sắc đầm ấm cứ như thầy lại một lần nữa nhờ vợ mà tái sinh vậy?

Mấy con hẻm ngoắt ngoéo. Rồi thăm thẳm, hun hút một lối cầu thang. Rồi bỗng òa trên gác một không gian Sài thành… Ông thầy Mai Cao Chương của chúng tôi đang ngồi kia.

Thầy yếu đi nhiều. Nghĩ chậm. Nói chậm. Cung cách ấy như hợp với sự hồi tưởng?

 Năm 1978. Thầy chuyển hẳn vào Đại học Văn Khoa Sài Gòn và tham gia vào tổ bộ môn Hán Nôm, sau đó làm tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam. Năm 1978, Tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra quyết định nâng thành khoa Ngữ văn Việt Nam, thầy Mai Cao Chương được cử làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn Việt Nam rồi chủ nhiệm khoa Ngữ văn cho đến năm 1990. 

Sau khi rời chức vụ quản lý cho đến khi về hưu và sau đó nữa, thầy vẫn miệt mài tham gia giảng dạy đại học, sau đại học, hướng dẫn nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

Năm 1984, thầy Mai Cao Chương được phong học hàm phó giáo sư. Năm 1992 thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Anh Trần Ngọc Hồng cho biết thêm, thầy Mai Cao Chương sau khi về hưu vẫn tiếp tục đứng lớp, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Thoáng trên kệ vẫn lấp lánh chữ vàng bìa cuốn Bộ giáo trình nổi tiếng thầy Chương từng biên soạn chung với các giáo sư Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Lịch sử văn học Việt Nam, phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII.

Giảng viên Trần Ngọc Hồng nói nhỏ, có thể nói cho đến nay đây vẫn là bộ giáo trình dày dặn nhất và có giá trị học thuật cao chưa có bộ giáo trình nào vượt được. 

MỚI - NÓNG