Biệt thự ma Đà Lạt:

Thay áo cho biệt thự "ma"

Thay áo cho biệt thự "ma"
TP - Những câu chuyện ma truyền kỳ và hoang đường quanh các biệt thự bỏ hoang ở Đà Lạt  từ lâu đã khiến người ta vừa sợ hãi vừa hiếu kỳ, nhưng chỉ dám kính nhi viễn chi. Chuyện ma vì thế ngày càng được thêu dệt thêm những tình tiết liêu trai.

Nằm gần đèo Prenn có  ngôi biệt thự  mà ban ngày nhìn vào cũng đã đủ ớn lạnh. Để bớt cảm giác rùng rợn về đêm, người ta lắp vào mấy ngọn đèn, nhưng cũng chẳng ai dám đến.

Mấy người công nhân làm  đường kể cho tôi nghe những câu chuyện ma mà họ cũng chỉ nghe kể lại ở biệt thự này: “Ngôi biệt thự cũng gần hơn một  thế kỷ, do người Pháp xây, bỏ hoang từ bao giờ chúng tôi cũng không biết. Ít nhất có ba cô gái đã tự tử ở đây. Người lao xuống giếng, người thắt cổ trên nóc biệt thự. Vào năm 60 của thế kỷ trước, những đứa trẻ chăn bò đã phát hiện một đôi trai  gái đã chết nhưng vẫn nắm tay nhau… Từ đó ngay cả những tài xế xe tải qua đây cũng phải rồ ga cho xe chạy nhanh. Về sau có một ông già tên Bá Minh, quê ở Huế, đã đến biệt thự này”.

Theo thống kê mới nhất, toàn TP Đà Lạt còn 187 ngôi biệt thự cổ, với tổng diện tích 49.114m2, trong đó 66 căn là cơ quan công sở, 87 căn sử dụng để ở, 34 căn sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Theo những người công nhân làm đường, ông Minh đã ở tuổi gần đất xa trời, không nơi nương tựa, tìm đến biệt thự hoang ở trong tâm trạng không còn biết sợ gì ở trên đời nữa. Ông Minh tự trồng rau, làm rẫy để duy trì cuộc sống đạm bạc và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng ông Minh không ăn cơm một mình mà trước bữa ăn ông khấn khứa mời hồn ma hưởng trước.

Theo lời đồn thì ông đã từng nhiều lần gặp ma, thấy ma khóc cười. Thậm chí có hồn ma là một cô gái đã dắt tay ông lên trên đồi thông  chỉ cho xem nấm mộ của con mình. Ngôi mộ ấy có thật và vẫn còn trên đồi thông.

Suốt ngày trong biệt thự hoang, ông Minh chỉ cặm cụi tạc tượng và vẽ tranh. Có những lúc ông như lên đồng, vẽ lên bức tường những hình thù kỳ quái. Người ta bảo, ông vẽ bức tranh ấy theo chỉ dẫn của hồn ma nhập vào người. Thế rồi, một ngày nọ, ông Minh uống thuốc trừ sâu tự tử. Lại thêm một cái chết vì tự tử ở  biệt thự hoang này.

Chuyện của những người công nhân làm đường phần nhiều chỉ là nhắc lại lời đồn đại, thêu dệt nhưng lại khiến tôi sởn da gà khi bước vào biệt thự hoang. Trời đang nắng, nhưng phía trong biệt thự ánh sáng yếu ớt trắng bợt ra. Trên bức tường tôi thấy những hình thù kỳ quái. Hình một đôi trai gái đang quay mặt vào nhau. Hình một người đàn ông có gương mặt đáng sợ. Và còn nhiều hình vẽ mà tôi không thể nào giải mã nổi. Dễ hiểu nhất có lẽ là hình một ngôi nhà  màu trắng ở trên bức tường lối lên cầu thang.

Cảm giác rờn rợn khiến tôi không thể bước lên tầng hai mà nhanh chóng ra ngoài.

Thay áo cho biệt thự "ma" ảnh 1
Biệt thự ma hoang lạnh trong mờ sương Đà Lạt

Trên đường Trần Hưng Đạo, có 12 biệt thự bỏ hoang hơn 30 năm không một bóng người lai vãng. 12 biệt thự này hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống đô thị, nơi mà mỗi mét vuông đất ở vị trí đẹp của thành phố du lịch này đều giá trị bằng vàng. Nhưng 12 biệt thự vẫn chẳng ai dám lai vãng. Ngay cả những người vô gia cư, ăn mày cũng thà ngủ ngoài mái hiên giá buốt, mưa gió chứ không dám vào biệt thự trú chân.

Nghe nói đã từng có một thương nhân người Mỹ thỏa thuận mua lại 12 biệt thự này để khai thác nhưng trên đường về nước thì máy bay của ông bị rơi. Điều này cũng chẳng có ai kiểm chứng. Nó như góp thêm để nối dài truyền kỳ ma ở biệt thự Đà Lạt.

Chị Nguyễn Minh Phương, người dân sống ở đường Trần Hưng Đạo, cho tôi hay: “Vào cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 68, nhiều người dân vào biệt thự ẩn náu, sau đó bị chết vì bom đạn của lính Mỹ. Từ đó, những câu chuyện ma ở dãy biệt thự này lại được đồn thổi rất nhiều”.

Lại có chuyện thêu dệt rằng thỉnh thoảng trên cửa sổ của một biệt thự hoang, người ta thấy xuất hiện hình cô gái mặt áo trắng “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”. Thậm chí họ còn bảo có người còn chụp được ảnh cô gái. Nhưng khi đi lên cửa sổ thì cô gái biến mất như một làn khói.

Căn biệt thự ở số 10 phố Nam Kỳ của tướng Bình Xuyên – Bảy Viễn sau này trở thành Cục thuế Cao nguyên. Đêm khuya, bà  quản gia của tướng Bảy Viễn không hiểu thần hồn nát thần tính thế nào thỉnh thoảng lại nghe tiếng gõ cửa nhưng mở ra thì chỉ thấy khoảng tối đen ngòm. Có những đêm, nhà chỉ còn lại mỗi mình bà, nhưng lại nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm. Biệt thự này từng  có cô gái bị giết chết khi đang tắm chờ chồng- một sỹ quan người Pháp-  trở về.

Bên cạnh biệt thự sừng sững cây thông to. Người ta đồn có đôi trai gái vẫn đến đây trò chuyện rì rầm với cây thông, lúc cười lúc khóc, lúc nhảy múa. Khi cây thông bị chặt thì chàng trai cũng đau đớn như bị lưỡi rìu chém vào chính thịt da mình. Rồi chàng trai chết, cô gái nhìn cây thông bị đốn hạ, cười một tràng dài rồi bỏ đi không một lần quay lại.

Còn rất nhiều “dị bản” về những câu chuyện ma trong rất nhiều biệt thự bỏ hoang ở Đà  Lạt. Những câu  chuyện hoang đường cứ thế kết lại có lớp có lang và trong hành trình đi “tìm ma” của mình, tôi cũng chưa một lần nhìn hay nghe thấy dấu hiệu nào của ma trong biệt thự hoang. Nhưng có một thực tế không thể chối bỏ:  Rất nhiều biệt thự đẹp ở những vị trí đắc địa  đang bị bỏ hoang một cách vô cùng lãng phí.

Thay áo cho biệt thự "ma" ảnh 2
Ông Trương Công Nhân: “Tôi sẵn sàng đi bắt ma”

Sẽ thay áo cho biệt thự ma?

Ông Trương Công Nhân một người từng ở nhà tù thiếu niên Đà Lạt dưới thời chính quyền Sài Gòn, sau đó trở thành doanh nhân thành đạt và là “ma xó” của xứ cao nguyên này, khẳng định với tôi: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, đã nhiều lần đến các khu biệt thự bỏ hoang  nhưng chưa từng thấy ma quỷ gì. Những câu chuyện ma là do người ta mượn bối cảnh hoang tàn, quạnh hiu và bầu không khí đầy sương mù của Đà Lạt để  thêu dệt thêm thắt vào cho ly kỳ vậy thôi. Ai bảo những biệt thự hoang ở Đà Lạt có ma, tôi sẵn sàng đi “bắt ma” với họ”.

Tôi tự hỏi những căn biệt thự ma Đà Lạt này sẽ bị bỏ hoang như thế đến bao giờ? Làm sao để thích nghi với màn sương mù ma mị bao phủ lên những biệt thự cổ này?

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay, tới đây sẽ đưa các biệt thự ma vào để kinh doanh du lịch. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải thay áo cho các biệt thự. Những hoang tàn đổ nát, u ám của những biệt thự cổ sẽ phải được thay đổi, nhường chỗ cho ánh sáng, cho nội thất tươi mới cùng với  hiện diện của con người.

Một khi những biệt thự ma lột xác, những nhà kinh doanh du lịch sẽ không còn sợ nữa và sẵn sàng đấu thầu để kinh doanh. Biệt thự ma sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố ngàn hoa này.

Trước thời điểm Festival hoa Đà Lạt sắp mở màn, nhiều khách du lịch ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh đã bày tỏ mong muốn được tham quan các biệt thự ma, thậm chí qua đêm ở những nơi đầy các câu chuyện ly kỳ ma quái.

Anh Nguyễn Thế Vinh, từ Hà Nội vào Đà Lạt, tâm sự với tôi: “Nghe nhiều về chuyện ma ở các biệt thự cổ Đà Lạt tôi tò mò muốn ngủ qua đêm một lần ở đấy cho biết. Nếu như có một tour du lịch khám phá các biệt thự này, tổ chức cho du khách ngủ lại để trải nghiệm cảm giác lạ, tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Làm được như thế,  các biệt thự sẽ không phải bị bỏ hoang nữa, vì du khách sẽ đến đông, mang lại nhiều doanh thu, tránh lãng phí cho công sản. Còn bảo bây giờ tự tôi vào biệt thự hoang lạnh như thế, ngủ một tối thì quả thực là không dám”.

MỚI - NÓNG