'Thắt lưng buộc bụng' đóng thuế thu nhập cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chị Lê Thị Hiền (quê Hà Tĩnh) làm công nhân tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân) hơn 15 năm, mức lương tầm 18 triệu đồng/tháng, chồng là lao động tự do thu nhập bữa có bữa không. Chị Hiền có con gái lớn đang học tiểu học. Chị tâm sự, hầu như tất cả các chi phí sinh hoạt, thuê nhà đều tăng hằng năm.

Hễ lương nhích lên một chút thì các giá hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo, duy chỉ có mức giảm trừ gia cảnh là không thay đổi suốt nhiều năm qua.

“Sau khi giảm trừ gia cảnh, tôi vẫn còn phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho khoản thu nhập chịu thuế 2,6 triệu đồng. Không có tích lũy, những lúc con đau ốm, chồng thất nghiệp… cả gia đình không có khoản nào để chi tiêu. Bí bách, tôi phải vay nóng với lãi suất cao để xoay xở, để vượt qua lúc khó khăn rồi tính tiếp” - chị Hiền ngậm ngùi nói.

Nhiều người làm công ăn lương ở TPHCM phải đóng thuế TNCN cũng đang gặp khó khăn tương tự như chị Hiền.

'Thắt lưng buộc bụng' đóng thuế thu nhập cá nhân ảnh 1

Chị Lê Thị Hiền (Công ty PouYuen) phải tằn tiện chi tiêu để lo cho con đi học Ảnh: U.P.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho biết, mỗi năm giá hàng hóa, dịch vụ đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên; sau dịch COVID-19, giá hàng hóa dịch vụ tăng 20-30%. Vì vậy, nếu chúng ta đợi đến năm 2026 mới điều chỉnh thuế TNCN thì không phù hợp với thực tế.

Nói về mức giảm trừ gia cảnh khi thực hiện Luật Thuế TNCN, Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM) nói rằng, Luật Thuế TNCN quy định mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định, khi lạm phát tăng 20% mới sửa đổi không phù hợp.

“Tôi cho rằng, Nhà nước nên xem xét theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3-4 lần mức lương. Khi lương tăng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng cần tăng theo. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống người lao động. Tuy nhiên, hiện tại, rất nhiều người làm công ăn lương chịu nhiều áp lực bởi lương tăng nhưng phần giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ngoài ra, giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh cũng góp phần làm chất lượng cuộc sống đi xuống”, ông Tâm nói.

MỚI - NÓNG