Thắt đến bao giờ?

Thắt đến bao giờ?
TP - Người dân châu Âu nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 vừa qua tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ đòi chấm dứt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang được áp dụng trên toàn châu lục trong suốt mấy năm qua kể từ khi xảy ra “bão” nợ công.

> Ba mươi chưa phải là tết
> Thoát vách đá, vướng nợ công

Quả thật, có lẽ chưa bao giờ trong nhiều năm trở lại đây, người lao động châu Âu lại cảm thấy cuộc sống và tương lai của họ ở tình cảnh bấp bênh như vậy. Gánh nặng nợ công đã buộc chính phủ nhiều nước châu Âu phải viện đến chính sách khắc khổ và hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước tăng vọt, đặc biệt có những nơi có đến một nửa số thanh niên không có việc làm.

Cuộc sống của phần đông dân thường rơi vào khó khăn do chế độ phúc lợi, lương thưởng bị cắt giảm, do tiền gửi tiết kiệm của họ “bỗng dưng biến mất” như tại đảo Síp, hay do thất nghiệp như tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Những hệ lụy từ chính sách khắc khổ đang gây ra sự xáo động lớn trong xã hội châu Âu với những làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ đã và đang diễn ra khắp châu lục. Không ít chính phủ đã phải ra đi vì để mất lòng tin của dân chúng.

Nhìn vào dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu rằng, kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn sẽ tiếp tục suy thoái trong những tháng còn lại của năm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục 12%, có vẻ như chính sách khắc khổ đang đẩy châu Âu vào vòng luẩn quẩn: Thất nghiệp cao - Tăng trưởng thấp. Tuy vậy, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong tuyên bố mới nhất vẫn khẳng định, châu Âu cần phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” bởi quay lại với tình trạng thâm hụt ngân sách vượt khỏi vòng kiểm soát không phải là sự lựa chọn, và các chương trình kích thích kinh tế là giải pháp bất khả thi bởi chúng chỉ làm nặng thêm gánh nợ công.

Trong lúc này, sự tập trung đang đổ về Italia khi chính phủ mới lên tuyên bố sẽ làm mọi cách để đảo ngược chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà theo tân Thủ tướng Enrico Letta đang “giết chết Italia”.

Ông Letta đã trình bày một kế hoạch cải cách đầy tham vọng và tuyên bố sẽ từ chức trong 18 tháng tới nếu không đạt được thành công. Nhưng cùng lúc, Chính phủ Hy Lạp, rồi đến Bồ Đào Nha, vừa công bố thêm những chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới để đáp ứng điều kiện nhận được cứu trợ của các chủ nợ quốc tế. Với đa phần người dân châu Âu, câu hỏi “thắt” đến bao giờ có lẽ chưa có câu trả lời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG