Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ

0:00 / 0:00
0:00
“Hổ trướng khu cơ” là cuốn binh thư của Đào Duy Từ thảo ra để cho tướng sĩ Đàng Trong, không quá chú trọng đến lý luận quân sự mà dành tâm huyết cho thực hành tác chiến.
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 1
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 2
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 3

Đào Duy Từ (1572 – 1634) là người Thanh Hóa. Thuở nhỏ ông học rộng hiểu nhiều và từng đi thi hương tại quê nhà. Tuy nhiên, bất mãn với chế độ khoa cử mà họ Trịnh đang thao túng Đàng Ngoài nên năm 1627 ông trốn vào xứ Đàng Trong.

Nghe được bài thơ "Ngọa Long cương vãn" của Đào Duy Từ mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên biết ông có chí lớn, phong chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu. Đào Duy Từ trông coi việc quân cơ cả trong lẫn ngoài, rất được chúa Nguyễn tin dùng. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn mà đáng kể nhất là lần chúa Nguyễn khôn khéo trả sắc phong của vua Lê chúa Trịnh(1). Chúa Nguyễn thường nói với quần thần: "Đào Duy Từ thật là Tử Phòng (Trương Lương) và Khổng Minh (Gia Cát Lượng) ngày nay".

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 4

Năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp luỹ Trường Dục, trải dài từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải nhằm ngăn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh Đàng Trong. Sang năm sau (1631), cũng tin theo lời Đào Duy Từ mà chúa Nguyễn lại cho đắp một lũy kiên cố hơn, dài hơn 30 km bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ, rồi men theo sông Lệ Kỳ và sông Nhật Lệ tiến lên phía Đông Bắc đến làng Đông Hải. Chiến lũy này tục gọi là lũy Thầy(2) còn được truyền tụng trong ca dao: Lũy Thầy ai đắp mà cao, Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu. Và: Khôn ngoan qua được Thanh Hà, Dẫu rằng có cánh khó qua lũy Thầy.

Lũy Thầy cao 12 thước, bề mặt rộng rãi có thể đi lại được. Cứ mỗi đoạn 40 thước lại xây một pháo đài, đặt súng thần công án ngự. Từ ngày có lũy Thầy, chiến tranh Trịnh – Nguyễn chính thức khai mào với sông Gianh là chiến tuyến.

Việt Sử chép rằng hệ thống lũy Thầy là một tuyến phòng thủ kiên cố. Năm 1633, quân chúa Trịnh khởi binh đánh chúa Nguyễn đã phải dừng bước ở cửa sông Nhật Lệ, bị quân Nguyễn phục kích đánh úp, quân tướng hoang mang rệu rã phải lui về bờ Bắc sông Gianh. Năm 1648, quân Trịnh lại tấn công lũy Thầy nhưng không phá được, bị đẩy lui xuống vùng đầm lầy Võ Xá và sau đó buộc phải rút về Bắc, để lại nhiều binh tướng bị bắt làm tù binh. Trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn vào năm 1672 đã chứng tỏ sự lợi hại của hệ thống thành lũy. Quân Trịnh liên tục tấn công nhưng không thu được thành quả gì, phải rút lui, chấm dứt cuộc nội chiến gần 50 năm và mở ra hơn một thế kỷ hòa hoãn.

Đào Duy Từ chỉ làm quan cho chúa Nguyễn trong 8 năm ngắn ngủi nhưng ông đã kịp tạo dựng cho Đàng Trong có quân hùng tướng mạnh. Thế nên ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ tại Thái miếu.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 5

"Hổ trướng khu cơ" là cuốn binh thư của Đào Duy Từ thảo ra để cho tướng sĩ Đàng Trong. Đây là trước tác quân sự còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đào Duy Từ không chú quá trọng đến lý luận quân sự mà dành tâm huyết cho thực hành tác chiến. Phát xuất từ một quan điểm Tam Tài cổ điển là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ông viết ba tập binh thư luận về những phép đánh trận và một số kỹ thuật chế tạo võ khí.

Quyển 1 (tập Thiên) gồm 6 phần: Tổng luận về cơ yếu binh pháp, các phương pháp và phương tiện dựa vào "thiên cơ" với các nội dung chủ yếu: hỏa công, thủy chiến, bộ chiến và thủ trại.

Quyển 2 (tập Địa) gồm 5 phần: các loại đội hình tác chiến, dựa vào địa thế và sự vận dụng linh hoạt, biến hóa các loại đội hình đó.

Quyển 3 (tập Nhân) gồm 6 phần: luận bàn về tướng, phép chọn tướng luyện binh, chỉ dẫn về quân cơ, phép dạy quân đánh giặc, phép giữ thành chống giặc, và một số cách xử trí các tình huống chiến trường quan điểm nhân hòa.

Hổ Trướng Khu Cơ là bộ binh thư mang đặc sắc quân sự của người Việt. Binh thư này cùng với các diễn biến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh hồi thế kỷ 17 – 18 chứng tỏ các bậc tiền nhân nước nhà đã độc lập tự cường trong nghiên cứu để rồi sáng tạo nên nhiều khái niệm quân sự độc đáo. Đọc Hổ Trướng Khu Cơ để thấu tỏ một di thư của tổ tiên trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

"Hổ Trướng Khu Cơ" thuộc binh pháp số 12 trong cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị – Ngoại giao – Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".

* Chú thích:

(1) Để buộc họ Nguyễn ở Đàng Trong thần phục, năm 1627 chúa Trịnh sai sứ giả mang sắc phong của vua Lê trao cho Nguyễn Phúc Nguyên và đòi lễ vật cống nạp. Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi 3 năm sau (1630) mới cử sứ giả ra Thăng Long tạ ơn vua Lê chúa Trịnh, đồng thời khéo léo trả lại sắc phong. Trong thời gian đó, họ Nguyễn đã kịp thời chuẩn bị thành lũy và binh lực để đối phó với họ Trịnh.

(2) Tên gọi này được đặt cũng bởi Chúa Nguyễn coi Đào Duy Từ như thầy dạy của mình.

Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 6
Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 12: Hổ trướng khu cơ ảnh 7

(Đón đọc kỳ sau: Văn minh nhân loại bắt nguồn từ đâu?)

MỚI - NÓNG