Thấp, lùn không được làm giáo viên: Lãnh đạo trường Sư phạm nói gì?

Trường đại học Sư phạm TPHCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên.
Trường đại học Sư phạm TPHCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên.
TPO - Nam phải cao từ 1m55 trở lên và nữ cao từ 1m50 trở lên mới được đăng ký vào ngành sư phạm. Điều kiện này của trường đại học Sư phạm TPHCM đang gặp nhiều phản ứng trái chiều.  

Lùn hay cao liên quan gì kiến thức!

Trường đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm 2019. Theo đó, trường có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên.

Cụ thể, trường này quy định, nam phải cao từ 1m55 trở lên và nữ cao từ 1m50 trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1m65 và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1m55 và nặng 45 kg trở lên.

Điều kiện này ngay khi công bố đã gây nhiều tranh cãi trên nhiều trang mạng xã hội.

Bạn Ngọc Mai Phạm bình luận: “Bạn nào trả lời cho mình tại sao làm nghề sư phạm lại cần phải có tiêu chuẩn ngoại hình vậy? Một người khuyết tật cũng có thể trở thành thầy cô giáo chỉ cần họ truyền tải được đạo đức và kiến thức cho người khác, như vậy là đã thành 1 người thầy rồi. Mình không hiểu tại sao  cao trên 1m50 mới được làm giáo viên vậy?”

Bạn Dung Dung thì cho rằng: “Ngoại hình cũng là 1 phần quan trọng vì học sinh chỉ thích nhất là được học với cô giáo trẻ, xinh không quan trọng cô dạy có tốt không. Lớp nào không được học là nó so sánh ngay. Thậm chí học sinh trường mình cô giáo già có nhiều tóc bạc hay cô giáo xấu nó khóc nhất quyết không chịu đi học và đòi đổi lớp…”

Còn bạn có nick Sao Hôm thì không đồng ý với quy định này và cho rằng: “Chỉ cần “không khiếm khuyết” về kiến thức, nhân cách, tâm hồn và năng lực sư phạm... bởi đó mới là điều kiện cần thiết của một người người thầy!”…

Một bạn đọc khác thì bình luận, yêu cầu sư phạm cần nên thi thêm môn đạo đức và giáo dục công dân, chứ lùn hay cao liên quan gì đến việc truyền tải kiến thức và nuôi dạy nhân cách con người...

Trường đại học Sư phạm TPHCM nói gì?
Về vấn đề tranh cãi này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, thông tin về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ những năm 2008 cũng như vài năm trước đó và đăng tải chính thức trên nhiều phương tiện....
Theo ông Sơn, đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành mà chỉ là của đề án tuyển sinh trường đại học Sư phạm TPHCM. "Chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác. Và cần xem xét tổng thể chứ không nên tách ra một chi tiết mang tính đơn lẻ để quy gán và tạo ra dư luận xã hội thiếu cơ sở", ông Sơn nói. 
Thấp, lùn không được làm giáo viên: Lãnh đạo trường Sư phạm nói gì? ảnh 1  Điều kiện chiều cao của trường đại học Sư phạm TPHCM bị phản ứng và gây nhiều tranh cãi
Ông Sơn dẫn chứng, theo quyết định số 1613 của Bộ Y tế, ban hành từ năm 1997, sức khỏe loại 3 – loại trung bình ứng với chiều cao nhất định của học sinh – sinh viên; trong khi đó, theo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011- 2020, chiều cao người Việt tăng 1 đến 1,5 cm so với 2010... nên vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe. 
Ở thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục, về bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65, đến 0,80 mét với trường tiểu học và ở THCS là 0,8 đến 1,0 mét để nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề [Thông tư liên tịch số 13/2016 ngày 12/5/2016]... 
"Điều cần công bằng là phải nhìn nhận trên góc nhìn chung mang tính tổng thể. Và nếu có bất kỳ nhân sự nào có nhu cầu trở thành sinh viên ngành Sư phạm của Trường đều được xem xét chi tiết cũng như đảm bảo tính công bằng. Chúng ta cũng cần nhất quán quan điểm: Trân quý những nhà giáo đã có những đóng góp trước đó cho ngành dù có những khó khăn nhất định về sức khỏe, thể chất. Nhưng đặt trong bối cảnh mới, cần xem xét đến tính khoa học, tính hiện đại của nghề và yêu cầu chung trên bình diện hội nhập quốc tế. Cần xem xét yêu cầu này như yêu cầu tuyển sinh và không nên có những suy luận hay giả định có thí sinh này, có hoàn cảnh khác bởi tuyển sinh cần có sức khỏe chung và tiêu chí này cần được xem xét", ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, với những trường hợp đặc biệt, đề án của Trường vẫn dành sự trân quý với các thí sinh này, có sự xem xét cụ thể và có những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng. Nói khác đi, vấn đề tuyển sinh, vấn đề chọn nghề, cần dựa trên khả năng tự đánh giá, tự nhận thức; tự hướng nghiệp, chọn nghề... Và bất kỳ trường hợp nào có nhu cầu, Ban tuyển sinh sẽ xem xét công bằng và nghiêm túc, đảm bảo tính nhân văn như là trọng điểm của nhà trường.
"Đề xuất này chỉ mới là dự kiến nên chúng tôi sẽ lắng nghe tất cả thông tin và sẽ cầu thị xem xét, nghiên cứu", ông Sơn khẳng định.
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.