Thảo luận sôi nổi vấn đề tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên

Đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Xuân Ân.
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Xuân Ân.
TPO - Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011 – 1015.

Hội nghị nhằm đánh giá Đề án 2160 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 về vấn đề tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cùng đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện, Đề án 2160 đã đưa lại những kết quả khả quan, số lượng thanh, thiếu niên phạm tội ở đa số các tỉnh đã giảm 10%, cá biệt có những tỉnh giảm đến hơn 90% số như Thái Bình, Yên Bái.

Việc thực hiện đề án từ trung ương đến địa phương đã được các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao. Tới 39/49 tỉnh có thống kê cho thấy đã đạt mục tiêu hơn 80% thanh, thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến pháp luật thậm chí có tỉnh đạt tỉ lệ 100% thanh niên lao động, sinh sống tự do trên địa bàn được tuyên truyền, phổ biến như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Thảo luận sôi nổi vấn đề tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên ảnh 1

Đồng chí Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tuy nhiên, nhiều tham luận tại hội nghị cũng tỏ ra không tin tưởng vào những số liệu trên. Đại biểu từ Bộ Công an cũng như tỉnh Điện Biên cho rằng con số 100% là không thể đạt được trên thực tế mà chỉ là dựa trên số liệu tính toán một chiều.

Đồng quan điểm như vậy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết mục tiêu 80% thanh, thiếu niên sinh sống, lao động tự do trên địa bàn được tuyên truyền pháp luật rất khó đạt được bởi đối tượng này tập trung rất nhiều trong các khu công nghiệp, “họ đi làm rất vất vả, về là muốn nghỉ ngơi, tuyên truyền tập trung thì không được còn nếu vào trong nhà máy, xí nghiệp để tuyên truyền thì ảnh hưởng tới sản xuất”.

Phần lớn các đại biểu đồng tình cho rằng đối tượng thanh, thiếu niên là lao động tự do gần như rất ít được tiếp xúc với kiến thức về pháp luật dù đây là một trong ba đối tượng rất cần tập trung tuyên truyền gồm học sinh, sinh viên; thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; thanh, thiếu niên lao động tự do.

Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, đối tượng thanh, thiếu niên lao động tư do rất ít tham gia vào các đoàn thể, tổ chức lớn nên rất khó tiếp cận. “Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng này nhưng quan trọng nhất vẫn là làm cho họ hiểu vai trò của pháp luật để họ chủ động tìm hiểu” - ông Lân nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án, các đơn vị sẽ tăng cường phổ biến pháp luật thông qua mạng internet bao gồm cả các mạng xã hội như Facebook. “Đây là hình thức tuyên truyền mới nhưng mang lại hiệu quả cao lại rất gần gũi với đối tượng thanh, thiếu niên” - ông Hiếu nói.

Thảo luận sôi nổi vấn đề tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên ảnh 2
Thảo luận sôi nổi vấn đề tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cùng Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải trao bằng khen cho một số đơn vị.

Kết thúc hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao bằng khen cho một số đơn vị, cá nhân đạt thành tích suất sắc trong quá trình thực hiện Đề án.

MỚI - NÓNG