> Một số nơi được tuyển dưới điểm sàn
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết: So với thí sinh ở miền xuôi thì thí sinh ở miền núi có điều kiện sống, điều kiện học tập thua xa. Chính vì vậy, chất lượng học tập của các em học sinh miền núi thấp hơn so với học sinh miền xuôi.
Trong bối cảnh tuyển sinh năm nay, Đại học Thái Nguyên và một số trường miền núi như ĐH Tây Bắc, ĐH Hùng Vương đang thiếu người học, mặc dù có đông thí sinh dự thi, nhưng thí sinh vùng này đạt được điểm sàn là rất khó.
Chủ trương hạ điểm để ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng núi, vùng xa là rất đúng đắn. Trên thực tế, có những thí sinh vào đại học đã học tốt vì vậy, dù điểm đầu vào kém chúng tôi cũng không ngại, sẽ dành thời gian để bồi dưỡng kiến thức cho các em.
Cũng về vấn đề chất lượng, ông Phan Huy Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHDL Thăng Long băn khoăn: Thí sinh bị điểm kém học bổ sung để học tiếp cũng tốt.
Nhìn chung, quan trọng là lúc thí sinh vào đại học học có nghiêm chỉnh hay không. Nếu họ học thật thì không có vấn đề gì, nếu học chỉ lấy lệ, hoặc chỉ nộp tiền mà không đi học và chỉ để lấy bằng như học tại chức thì đáng ngại…
Theo ông Phú, chủ trương này chỉ nên dành cho các trường đào tạo nhân lực tại các địa phương khó khăn, chất lượng đào tạo của các trường còn do các nhà tuyển dụng quyết định.
Nếu tuyển dụng theo phong bì hoặc theo quan hệ thì người học không cần học. Tuyển dụng tốt thì phải đào tạo tốt. Các nhà tuyển dụng tư nhân chắc chắn sẽ phải lấy những người được đào tạo tốt. Khu vực nhà nước, ông Phú nói, chắc sẽ khó lấy người giỏi.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nói: Tôi không đặt vấn đề chủ trương mới này của Bộ GD&ĐT là để cứu các trường tư thục. Nhìn nhận khách quan, có thể thấy vì lý do nào đó, có những cử nhân không về lại địa phương công tác.
Tuy nhiên, số đông sẽ về, vì không ai thay thế được người địa phương trong xây dựng quê hương họ. Ông Xuân Bình nói: Câu hỏi các cử nhân có về lại địa phương hay không thì gửi đến Bộ GD&ĐT, vì chắc chắn, khi trình chủ trương, ngành GD&ĐT phải trình kèm theo phương án và biện pháp để làm sao bảo đảm chính sách đối với đồng bào dân tộc không bị lạm dụng; đánh tráo (ưu tiên cho cả người không đúng đối tượng).
Và, ông Xuân Bình nhấn mạnh, ngành GD&ĐT cũng phải đề xuất chính sách tuyển đúng người, đào tạo đúng đối tượng và đảm bảo sau này cử nhân về lại địa phương công tác.
Trong văn bản cho phép hạ điểm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không có các nội dung giải pháp như ông Xuân Bình nêu và các nhà quản lý đào tạo bắt đầu đưa ra các giải pháp tình thế.
Ông Đặng Kim Vui nói: Cần nhấn mạnh vào chính sách ưu đãi trong tuyển dụng của địa phương, vào thu nhập và điều kiện sử dụng kiến thức được học. Ông Vui nói: Nếu về địa phương mà lương cán bộ khuyến nông chỉ là 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng trong điều kiện làm việc đi xe đạp hoặc đi bộ mới đến được vùng xa hàng chục kilômét thì rất khó chiêu hiền đãi sĩ!
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ đưa ra giải pháp đột phá về thu nhập cho cử nhân ra trường về vùng công tác. Theo ông Hóa không làm như vậy thì không có ai mặn mà dù ưu tiên cách gì.