Diễn viên Thanh Quý. Ảnh: Thế Giới Điện Ảnh |
Trong lớp Diễn viên khóa 2 trường Điện ảnh Việt Nam, Thanh Quý ít tuổi nhất, nhưng cũng là gương mặt nổi tiếng sớm nhất.
Sinh ra và lớn lên ở làng Bưởi (Hà Nội), từ nhỏ cô bé Vũ Thanh Quý đã quen cuộc sống thanh bình, chan hòa với thiên nhiên và bản thân cô cũng không nghĩ rằng, có một ngày sẽ trở thành diễn viên điện ảnh.
Nhưng cuộc đời đôi khi có những dẫn dắt kỳ lạ. Trường cấp 3 nơi Thanh Quý học cách trường Điện ảnh số 33 Hoàng Hoa Thám không xa, ngày nào đến lớp cô cũng đi ngang qua đây.
Con đường quen thuộc ấy đã đưa cô học trò đến với cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh khóa 2. Đỗ vào trường năm 1973 khi mới 15 tuổi, Thanh Quý trẻ nhất lớp và cũng được chọn đóng vai chính sớm nhất so với các bạn đồng khóa.
Năm 1976, khi Thanh Quý học năm thứ 3, chị được đạo diễn Trần Vũ mời vào vai Vân - cô thanh niên xung phong trong Chuyến xe bão táp. Bộ phim phản ánh những va chạm với cuộc sống đời thường của người lính trở về từ mặt trận sau những năm chiến tranh ác liệt.
Câu chuyện diễn ra trên một chiếc ôtô từ Nam ra Bắc, với đầy đủ "hỉ, nộ, ái, ố" như một xã hội thu nhỏ của đất nước Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, cuộc sống còn đầy khó khăn thiếu thốn. Sự nhiệt thành, những xúc cảm tươi mới đã tạo cho nhân vật Vân của Thanh Quý khoảng sáng có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Hai năm sau, Thanh Quý tiếp tục sống với nhân vật Vân trong Những người đã gặp - có thể xem như phần 2 Chuyến xe bão táp. Khác với phong cách phóng sự ở phần 1, Những người đã gặp thiên về khai thác tâm lý nhân vật một cách tinh tế qua những diễn biến tình cảm của nhân vật.
Diễn xuất chân thực và truyền cảm của Thanh Quý trong cả 2 phim đã góp phần làm bật lên vấn đề bức thiết mà tế nhị, ấy là quá trình hòa nhập vào cuộc sống đời thường của những người từ cuộc chiến trở về. Bước khởi nghiệp với vai Vân đã đem về cho Thanh Quý Bằng khen tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6.
Thành công tiếp tục đến với Thanh Quý khi chị vào vai Ngân Hà trong Tình yêu và khoảng cách (đạo diễn Đức Hoàn). Một phụ nữ đẹp, từng có tình yêu trong sáng, từng dũng cảm đến với người mình yêu ngay cả khi anh trở về với những vết thương quái ác, và cuộc đời thật trớ trêu khi người phụ nữ ấy thay lòng đổi dạ ngay trong lúc tưởng như hạnh phúc bén rễ bền chặt.
Thanh Quý đã tạo cho nhân vật của mình cá tính mạnh mẽ, cách hành xử quyết liệt khiến người xem ngậm ngùi trước nhân tình thế thái. Với Ngân Hà, Thanh Quý nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần 7.
Nếu làm một "trích ngang lý lịch" cho các nhân vật do Thanh Quý đảm nhiệm, sẽ rút ra nhiều điểm nổi bật. Hầu hết họ đều có số phận éo le, ngang trái, phải đối mặt với những bi kịch hay sự lựa chọn nghiệt ngã.
Cô thanh niên xung phong Nga trong Không có đường chân trời (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư) - nhân vật nữ duy nhất trong phim - lạc vào rừng sâu, nơi một tiểu đội chiến sĩ được giao nhiệm vụ tăng gia và tích trữ lương thực tại mé rừng chờ ngày chuyển giao cho chiến trường.
Các chiến sĩ sống trong hang giữa rừng thiêng nước độc, tưới mồ hôi và đổ sức lực xuống vạt đất khô cằn, để đổi lấy những củ sắn, bắp ngô. Sức người ngày một cạn, ngô khoai sắn ngày một đầy, tiểu đội tăng gia trông chờ mỏi mắt mà quân ta vẫn bặt vô âm tín.
Trong khi đó các chiến sĩ phải đối mặt với những cái chết vô lý, không phải hy sinh oanh liệt bởi mũi súng quân thù mà bởi những bất trắc trong rừng sâu. Người ra đi vì cây đè trong lúc phát rừng, người bị hổ vồ mất xác, người qua đời sau một cơn sốt ác tính...
Nga đến trạm ngẫu nhiên trong lúc lạc đơn vị giữa rừng, gắn bó với các chiến sĩ trong những ngày tháng khốc liệt, và rồi cô cũng ngẫu nhiên rời trại. Qua nhân vật Nga, các nhà làm phim khai thác một khía cạnh khác trong cuộc sống chiến tranh ác liệt - tình yêu.
Nga đem đến một luồng ánh sáng dịu mát trong bầu không khí khắc nghiệt, tàn khốc của chiến tranh. Đó là nguồn ánh sáng của sự sống, nó phá đi âm hưởng nặng nề của chết chóc, hy sinh. Dám sống với khát vọng của mình, dám bảo vệ mầm sống là đứa con trong bụng, Nga của Thanh Quý thật mạnh mẽ và ấn tượng.
Gần đây Thanh Quý ít đóng phim nhựa, bởi tuổi của chị không còn nhiều cơ hội đến với những vai chính. Thỉnh thoảng tham gia đóng phim truyền hình, nữ diễn viên này vẫn làm người xem xúc động dù chỉ đóng vai phụ.
Gương mặt đẹp, phong thái tự nhiên, ấy là những nét cuốn hút trời phú cho chị. Điều quan trọng hơn ở Thanh Quý là sự nhạy cảm đặc biệt và sự hóa thân trọn vẹn, lột tả hết chiều sâu nội tâm và thế giới tình cảm nhân vật.
Trong suốt gần ba chục năm làm diễn viên, đã đóng hàng chục bộ phim nhựa, ở bộ phim nào Thanh Quý cũng để lại dấu ấn cho nhân vật của mình.
Điểm mạnh của Thanh Quý là tạo được sức sống thực sự cho mỗi vai diễn. Sức sống ấy được bắt nguồn từ hơi thở và sợi dây tình cảm đan xen lẫn lộn giữa cuộc đời trên màn ảnh với cuộc đời thực của Thanh Quý.
Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, giờ đây người phụ nữ nhan sắc mặn mà ấy sống trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ Quỳnh. Ngôi nhà xinh xắn được bầy biện rất có gu, giống như một ốc đảo bình lặng và ấm cúng.
Bạn bè, đồng nghiệp, những người ruột thịt... ai cũng yêu mến Thanh Quý bởi cách sống thẳng thắn, chân thành, không màu mè tô vẽ của chị. Nhưng bên trong sự hồn hậu đến vô tư ấy ẩn chứa cuộc sống nội tâm đa cảm. Dễ xúc động, dễ cảm thông, dễ sẻ chia, có lẽ vì vậy mà chị đã hóa thân vào các nhân vật một cách thật trọn vẹn.
Cách sống mà Thanh Quý thường tâm niệm, đó là sống đúng với bản thân, đơn giản, thuận theo lẽ tự nhiên, dám đi đến cùng trong tình yêu và cũng dám vứt bỏ mọi điều hệ lụy một khi con tim không còn rung động. Có người bảo như vậy là "thiệt", có người lại bảo như vậy là "hơn". Ai sai ai đúng, tùy theo quan niệm của mỗi con người, Thanh Quý không cần tranh luận.
Theo Thế giới Điện ảnh